Trở thành doanh nghiệp thông minh như cách Alibaba đã làm

Ngay từ khi thành lập, vào năm 1999, Alibaba đã trải qua sự phát triển vượt bậc trên nền tảng thương mại điện tử của mình. Với tầm nhìn của nhà lãnh đạo, đột phá trong phương thức vận hành và tận dụng triệt để công nghệ, Alibaba đã tự biến mình thành một trong những “doanh nghiệp thông minh” đáng gờm nhất trên thế giới.

Alibaba ngày nay không chỉ là một công ty thương mại trực tuyến. Nó là sự tổng hợp của tất cả các khía cạnh liên quan đến bán lẻ bao gồm người bán, nhà tiếp thị, nhà cung cấp dịch vụ, công ty hậu cần và nhà sản xuất. Nói cách khác, Alibaba thực hiện những gì Amazon, eBay, PayPal, Google, FedEx, các nhà bán buôn và một số các nhà sản xuất ở Mỹ đang làm, với sự trợ giúp lành mạnh của các dịch vụ tài chính.

Theo chúng tôi thấy, sự đổi mới đặc biệt của Alibaba là việc thực sự xây dựng được một hệ sinh thái: một cộng đồng tổ chức (doanh nghiệp và khách hàng đủ loại) tương tác với nhau và môi trường (nền tảng trực tuyến và những yếu tố vật chất ngoại tuyến). 

Hệ sinh thái ban đầu rất đơn giản: kết nối người mua và người bán hàng hóa. Khi công nghệ tiên tiến hơn, nhiều chức năng kinh doanh chuyển sang trực tuyến – bao gồm những chức năng đã được thiết lập, chẳng hạn như quảng cáo, tiếp thị, hậu cần và tài chính và những chức năng mới nổi, chẳng hạn như tiếp thị liên kết, người giới thiệu sản phẩm và những người có tầm ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông xã hội. Khi mở rộng hệ sinh thái để phù hợp với những đổi mới, Alibaba đã giúp tạo ra các loại hình kinh doanh trực tuyến mới, hoàn toàn tái tạo lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc trong suốt chặng đường phát triển.

Điểm chung của Amazon, Google, Facebook, Alibaba và Tencent là mặc dù mới chỉ hoạt động trong khoảng 20 năm, tất cả các công ty này đều nằm trong bảng xếp hạng được định giá cao nhất thế giới. Vì sao lại như vậy? Câu trả lời nằm ở khả năng điều phối mạng lưới và trí tuệ dữ liệu của họ. Các hệ sinh thái mà họ quản lý hiệu quả hơn rất nhiều về mặt kinh tế và lấy khách hàng làm trọng tâm hơn so với các ngành công nghiệp truyền thống. Các công ty này đi theo một cách tiếp cận mà tôi gọi là kinh doanh thông minh (smart business) và tôi tin rằng nó đại diện cho lý luận kinh doanh thống trị trong tương lai.

Kinh doanh Thông minh là gì?

Kinh doanh thông minh xuất hiện khi tất cả những người liên quan đến việc đạt được mục tiêu kinh doanh chung – chẳng hạn như bán lẻ hoặc chia sẻ chuyến đi – được điều phối trong một mạng lưới trực tuyến và sử dụng công nghệ máy học (machine-learning) để tận dụng dữ liệu một cách hiệu quả trong thời gian thực. Mô hình được hỗ trợ bởi công nghệ này, trong đó hầu hết các quyết định vận hành được thực hiện bởi máy móc, cho phép các công ty thích ứng linh hoạt và nhanh chóng với các thay đổi về điều kiện thị trường và sở thích của khách hàng, giúp họ đạt được lợi thế cạnh tranh to lớn so với các doanh nghiệp truyền thống. 

Công ty cho vay các khoản nhỏ Ant là một ví dụ điển hình minh họa cho sự cạnh tranh này. Khi Alibaba cho ra mắt Ant vào năm 2012, khoản vay thông thường được cấp bởi các ngân hàng lớn tại Trung Quốc chỉ ở mức hàng triệu đô-la. Các ngân hàng thường ngại các công ty dịch vụ thiếu lịch sử tín dụng hoặc tài liệu đầy đủ về các hoạt động kinh doanh của họ. Hệ quả là, hàng chục triệu doanh nghiệp ở Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tiền cần thiết để phát triển hoạt động của họ. 

Chỉ trong vòng 7 năm hoạt động, Ant đã cho gần 3 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ vay đến 13,4 triệu đô-la. Khoản vay trung bình là 1200 đô-la. Ngày nay, Ant có thể xử lý hồ sơ vay với những khoản nhỏ đến 50 đô-la chỉ trong vòng vài phút. Vậy họ đã làm như thế nào?

Khi đối mặt với những khách hàng đi vay tiềm năng, các tổ chức cho vay chỉ cần trả lời ba câu hỏi cơ bản: Chúng ta có nên cho họ vay không, chúng ta nên cho vay bao nhiêu, và lãi suất là bao nhiêu? Khi khách hàng trên nền tảng của Ant cho phép phân tích dữ liệu của họ, Ant sẽ có đủ khả năng để trả lời những câu hỏi đó. 

Tự động hóa mọi Quyết định Vận hành

Để trở thành một doanh nghiệp thông minh, công ty của bạn phải thúc đẩy việc ra quyết định bằng máy móc, với nhiên liệu là dữ liệu thực thay vì bằng con người với kết quả phân tích dữ liệu của riêng họ. Quá trình chuyển đổi việc ra quyết định bao gồm bốn bước như sau:

Bước 1: “Dữ liệu hóa” mọi giao dịch khách hàng

Khác với Ant, quá trình thu thập dữ liệu của đa số doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Nhưng dữ liệu thực là điều thiết yếu để tạo ra các vòng lặp phản hồi là cơ sở của học máy. Một điều cần lưu ý là, hầu hết các doanh nghiệp muốn đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thường thu thập và phân tích thông tin để tạo ra một mô hình nhân quả. Sau đó, mô hình cô lập các dữ liệu quan trọng khỏi khối lượng thông tin có sẵn. Đó không phải là cách các doanh nghiệp thông minh sử dụng dữ liệu. Thay vào đó, họ nắm bắt tất cả thông tin được tạo ra trong quá trình trao đổi và liên lạc với khách hàng, cũng như các thành viên khác thuộc mạng lưới khi doanh nghiệp vận hành, và sau đó để các thuật toán tìm ra dữ liệu nào có liên quan.

Bước 2: “Phần mềm hoá” mọi hoạt động

Mục tiêu của bước này là nhằm giúp mọi quyết định liên quan đến hoạt động của công ty được tự động hoá. Phần mềm truyền thống khiến cho quy trình và quyết định trở nên cứng nhắc; trong khi đó, doanh nghiệp thông minh coi trọng sự phản ứng trong thời gian thực. Cần xây dựng mô hình ra quyết định của con người và tìm cách tái tạo các yếu tố đơn giản của quá trình đó bằng phần mềm – dù điều này là không dễ dàng, bởi nhiều quyết định của con người dựa trên cảm tính hoặc hoạt động thần kinh tiềm thức.

Bước 3: Đảm bảo việc lưu thông dữ liệu

Trong hệ sinh thái có nhiều đối tượng kết nối với nhau, các quyết định kinh doanh đòi hỏi sự phối hợp phức tạp. Ngoài việc trau chuốt cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng hệ tiêu chuẩn chung cho việc sử dụng và phân tích dữ liệu một cách nhất quán giữa các bộ phận. Không chỉ vậy, việc tìm ra cơ chế khuyến khích phù hợp để thuyết phục các công ty chia sẻ dữ liệu mà họ có là một thách thức quan trọng và lâu dài. Có một điều rõ ràng là: Càng nhiều dữ liệu lưu thông trong mạng lưới, doanh nghiệp lại càng thông minh hơn, hệ sinh thái càng tạo được nhiều giá trị hơn.

Bước 4: Vận dụng các thuật toán

Một khi doanh nghiệp đã vận hành hoàn toàn trực tuyến, nó sẽ ngập trong dữ liệu. Để đồng hóa, diễn giải và sử dụng dữ liệu có lợi cho mình, công ty phải tạo ra các mô hình và thuật toán làm rõ ràng logic sản phẩm cơ bản hoặc động lực thị trường mà doanh nghiệp đang cố gắng tối ưu hóa. Đây là một trọng trách sáng tạo nặng nề, đòi hỏi nhiều kỹ năng mới, và khiến nhu cầu về kỹ sư khoa học dữ liệu cũng như nhà kinh tế học tăng lên chóng mặt. Thách thức của họ là xác định công việc họ muốn máy làm, và họ phải rất rõ ràng về tiêu chí của một công việc đạt hiệu quả trong môi trường kinh doanh cụ thể.

Vai trò Người lãnh đạo

Trong quá trình giảng dạy khoá học về doanh nghiệp thông minh tại Trường Doanh nhân Hupan, tôi yêu cầu sinh viên nhận diện 10 nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng. Họ dễ dàng gọi tên Jack Ma, Elon Musk, và Steve Jobs, nhưng gần như không ai nhận diện được CEO của CitiGroup, Toyota, hay General Electric.

Có lý do cho việc này. Khác với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ qua chuỗi cung ứng được tối ưu hoá như GE hay Toyota, các công ty số phải xây dựng được mạng lưới để hiện thực hoá tầm nhìn của họ. Để làm được vậy, các nhà lãnh đạo của họ phải truyền cảm hứng cho các nhân viên, đối tác và khách hàng thuộc mạng lưới đó. Họ phải là những người có tầm nhìn xa và khả năng diễn thuyết, trong khi lãnh đạo của các công ty truyền thống không buộc phải như vậy. 

Trong mô hình doanh nghiệp thông minh, các thuật toán máy học có vai trò cải thiện tính hiệu quả của hệ thống. Bởi vậy, vai trò quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là thúc đẩy tính sáng tạo. Nhiệm vụ của họ là tăng tỷ lệ thành công cho những đổi mới, hơn là nâng cao hiệu quả vận hành.

Nguồn: “Alibaba and The Future of Business”, Ming Zeng, Tạp chí HBR số tháng 9-tháng 10/2018

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis