Trí tuệ nhân tạo AI thay đổi nền kinh tế như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo có khả năng tác động lớn tới hoạt động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cần phải quản lý khoảng cách giữa các quốc gia, doanh nghiệp và người lao động nhằm tối đa hóa lợi ích mà nó mang lại.

Vai trò của các công cụ và kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (AI) đối với nền kinh tế toàn cầu luôn là một chủ đề nóng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi AI có thể tạo ra những thay đổi triệt để – được cho là chưa từng có – trong cách con người sống và làm việc. Cuộc cách mạng AI không còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng tác động của nó tới kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự rõ nét.

Nghiên cứu của McKinsey Global Institute đã cố gắng hình dung tác động của AI đối với nền kinh tế toàn cầu. Đầu tiên, nghiên cứu được xây dựng dựa trên sự hiểu biết về hành vi của các doanh nghiệp cũng như động lực của các lĩnh vực khác nhau để có một góc nhìn cụ thể về cách áp dụng và triển khai công nghệ AI. Thứ hai, nó tính đến những gián đoạn có thể xảy ra mà các quốc gia, doanh nghiệp và người lao động gặp phải khi thực hiện chuyển đổi sang AI. Có thể giai đoạn chuyển tiếp này sẽ xuất hiện chi phí tổn thất và chúng cần được liệt kê vào bất kỳ ước tính nào. Nghiên cứu này cũng xem xét cách thức phân bổ lợi ích và tổn thất kinh tế giữa các công ty, nhân viên cũng như các quốc gia; và cách phân bổ này có thể cản trở việc nắm bắt các lợi ích của AI. Ngoài ra, nghiên cứu kiểm tra động lực của AI đối với nhiều quốc gia — được tập hợp thành các nhóm có đặc điểm giống nhau — với mục đích đưa ra cái nhìn toàn diện hơn.

AI có tiềm năng đóng góp lớn vào hoạt động kinh tế toàn cầu

McKinsey Global Institute đã xem xét năm công nghệ chủ yếu của AI bao gồm thị giác máy tính, ngôn ngữ tự nhiên, trợ lý ảo, tự động hóa quy trình robot và học máy nâng cao. Các công ty sử dụng năm công cụ này ở các mức độ khác nhau. Một số sẽ áp dụng cách tiếp cận mang tính cơ hội, tức là chỉ thử nghiệm một công nghệ đối với một bộ phận chức năng cụ thể. Số khác có thể táo bạo hơn, áp dụng cả năm phương diện trong toàn bộ tổ chức.

Đến năm 2030, ước tính khoảng 70% công ty có thể đã áp dụng ít nhất một loại công nghệ AI nhưng chưa đến 50% doanh nghiệp có thể áp dụng đầy đủ năm loại. Mô hình chấp nhận và áp dụng đầy đủ năm công nghệ sẽ tương đối nhanh chóng.

Một số rào cản có thể cản trở quá trình áp dụng nhanh chóng này. Chẳng hạn: những doanh nghiệp áp dụng muộn sẽ khó tạo ra tác động từ AI và bị tụt lại trong việc phát triển khả năng và thu hút nhân tài bởi vì những doanh nghiệp đi trước đã nắm bắt được các cơ hội của AI.

Tuy nhiên, ở mức độ chấp nhận và áp dụng trung bình trên quy mô toàn cầu, AI có tiềm năng mang lại khoảng 13 nghìn tỷ đô-la cho các hoạt động kinh tế thế giới vào năm 2030, hoặc GDP tích lũy cao hơn khoảng 16% so với hiện nay. Điều này mang lại sự tăng trưởng GDP thêm 1,2% mỗi năm. 

Việc áp dụng AI có thể mở rộng khoảng cách giữa các quốc gia, doanh nghiệp và người lao động

Mặc dù Al có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế, nhưng lợi ích có thể không đồng đều.

AI ảnh hưởng đến các quốc gia như thế nào?

AI có thể nới rộng khoảng cách giữa các quốc gia đồng thời củng cố khoảng cách số hiện tại. Vì tỷ lệ chấp nhận AI khác nhau nên các quốc gia sẽ cần có chiến lược và phản ứng khác nhau.

Các quốc gia đi đầu trong việc áp dụng AI (chủ yếu là các nước phát triển) có thể gia tăng vị thế dẫn trước so với các nước đang phát triển. Những quốc gia này có thể bổ sung 20 đến 25% lợi ích kinh tế ròng so với thời điểm hiện tại, trong khi con số này chỉ là từ 5 đến 15% tại các quốc gia đang phát triển. Nhiều quốc gia phát triển có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy AI nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và tăng cường năng suất khi đà tăng trưởng GDP của những nước này chững lại — trong nhiều trường hợp, do tác động của tình trạng dân số già. Hơn nữa, ở các nền kinh tế này, mức lương cao khiến động cơ thay thế lao động bằng máy móc cao hơn so với các nước đang phát triển, với mức lương thấp.

Ngược lại, các nước đang phát triển sẽ có những phương án khác, bao gồm bắt kịp các thông lệ tốt nhất và tái cơ cấu các ngành nhằm cải thiện năng suất. Vì thế, họ có thể có ít động lực hơn để thúc đẩy AI (vì chúng sẽ luôn mang lại lợi ích kinh tế nhỏ hơn so với các quốc gia phát triển). Một số nước đang phát triển có thể là ngoại lệ đối với quy luật này. Ví dụ, Trung Quốc có chiến lược tầm cỡ quốc gia để dẫn đầu thế giới trong chuỗi cung ứng AI và hiện đang vô cùng chú trọng đầu tư phát triển.

AI ảnh hưởng đến các doanh nghiệp như thế nào?

Các công nghệ AI có thể dẫn tới khoảng cách hiệu suất giữa doanh nghiệp dẫn đầu (áp dụng AI hoàn toàn trong vòng 5 đến 7 năm tới) và doanh nghiệp chậm chạp (không áp dụng công nghệ AI nào hoặc chưa hoàn toàn chấp nhận chúng đến năm 2030).

AI ảnh hưởng đến người lao động như thế nào?

AI có thể kéo giãn khoảng cách giữa những người lao động. Nhu cầu việc làm sẽ thay đổi, từ những công việc lặp đi lặp lại sang những công việc được định hướng về mặt xã hội và nhận thức cũng như đòi hỏi nhiều kỹ năng số hơn. Những công việc mang tính lặp lại cao hoặc yêu cầu trình độ kỹ năng số thấp có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi tỷ trọng việc làm trong tổng số việc làm giảm xuống còn khoảng 30% vào năm 2030, từ khoảng 40%.

AI có tiềm năng đáng kể đối với nền kinh tế, nhưng chắc chắn rằng sự thâm nhập của nó có thể gây ra gián đoạn. Năng suất của AI có thể sẽ không thể hiện rõ ngay lập tức. Tác động của nó có thể sẽ tăng lên với tốc độ ngày càng nhanh theo thời gian; do đó, lợi ích của khoản đầu tư ban đầu có thể không thấy được trong ngắn hạn. Cần phải có sự kiên nhẫn và tư duy chiến lược dài hạn.

Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần thể hiện khả năng lãnh đạo để khắc phục sự bài xích (có thể hiểu được) của người lao động về mối đe dọa đối với công việc của họ khi quá trình tự động hóa diễn ra. Các công ty cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp cho nhiệm vụ lớn lao liên quan tới đào tạo kỹ năng cho nhân viên để làm việc với AI. Các cá nhân sẽ cần phải thích nghi với một thế giới mới, trong đó sự thay đổi công việc có thể thường xuyên hơn, họ có thể phải chuyển đổi sang các loại hình việc làm mới, đồng thời liên tục làm mới và cập nhật các kỹ năng của mình để phù hợp với nhu cầu của thị trường việc làm luôn thay đổi.

Nguồn: McKinsey

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis