Một số nghiên cứu về bản chất của quyền lực đã chứng minh, quyền lực nếu không đi kèm với bao dung, độ lượng, sẽ dễ làm hư hoại tâm trí con người và dẫn đến những hành vi sai lệch.
Quyền lực là gì?
Quyền lực là phương tiện để tác động lên suy nghĩ và hành động của người khác. Ai cũng có khả năng tác động lên suy nghĩ và hành động của người khác, nghĩa là đều có quyền lực. Quyền hạn là quyền lực của ai đó mà chúng ta chấp nhận. Quyền hạn là chính đáng vì nó được thừa nhận một cách hợp pháp. Quyền hạn luôn đi đôi với trách nhiệm. Chịu trách nhiệm tức là buộc phải giải trình về công việc của mình.
Tác động của quyền lực trong cuộc sống, công việc
Andy J. Yap, một giáo sư nghiên cứu về hành vi có tổ chức tại INSEAD, đã nghiên cứu chuyên sâu về những yếu tố tâm lý khác nhau có liên quan tới quyền lực và sự ảnh hưởng của nó đối với con người.
-
Quyền lực làm con người trở nên có sức mạnh
Ông phát hiện rằng con người sẽ có chuyển biến tâm lý một khi họ được trải nghiệm sức mạnh. Đồng thời họ cũng có sự biến đổi về mặt cảm xúc. Ví dụ như họ trở nên mạnh mẽ hơn trong một số tình huống.
Quyền lực khiến con người trở nên mạnh mẽ hơn, dám chấp nhận nhiều rủi ro và dám theo đuổi mục tiêu của mình. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho bản thân họ trở nên tự tin thái quá.
-
Quyền lực có thể dẫn đến nhiều hành vi sai lệch
Theo tờ The Head Foundation: “Trên thực tế, những người nắm giữ quyền lực thường có cái nhìn tự cao tự đại trong khi phản đối người khác. Chính quan điểm lệch lạc này khiến họ đặt lợi ích của bản thân lên trên những người khác và ngăn họ hiểu được quan điểm của những người xung quanh… Giáo sư Andy J. Yap đã phát hiện ra điều đó, qua các nghiên cứu của mình rằng quyền lực thường dẫn tới nhiều hành vi sai lệch như nói dối, phản bội và ăn cắp.”
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 cho thấy, khả năng một người ngoại tình sẽ cao hơn khi họ bước chân lên nấc thang của danh vọng.
-
Quyền lực có thể khiến con người trở nên ích kỷ, độc đoán
Hay trong một thí nghiệm vào năm 2009, đã yêu cầu những người tham gia viết chữ “E” lên trán của họ. Kết quả, những người có một vị trí quyền lực nhất định sẽ viết chữ cái đó theo chiều thuận cho họ và ngược lại với người khác. Trái lại, những người không có quyền lực viết chữ cái đó theo cách mà người khác có thể đọc được.
Có thể thấy những người có quyền lực không quá quan tâm đến người khác nghĩ gì và họ thường có nhiều sự lựa chọn hơn trong các quyết định.
-
Người có quyền lực khó có thể thành công nếu không bao dung, độ lượng
Theo tờ Harvard Business Review: “Trong khi sự đồng cảm là xu hướng cảm nhận cảm xúc của người khác như thể bạn đặt mình vào vị trí của họ, thì sự lương thiện lại hướng tới việc mang lại hạnh phúc và lợi ích cho người khác. Do đó lòng từ bi chủ động hơn, có nghĩa là chúng ta có thể tạo thói quen cho nó. Bằng cách làm như vậy, chúng ta có thể chống lại việc đánh mất sự đồng cảm do nắm giữ quyền lực và trở thành một nhà lãnh đạo tốt cũng như sự kết nối tốt hơn giữa mọi người trong công việc.”
Có thể thấy một người nắm giữ quyền lực càng cao, thì càng phải trau dồi thái độ bao dung, độ lượng cho mình. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ đối xử với nhân viên của bạn cũng như những người dưới quyền bằng một trái tim cởi mở, thay vì định kiến họ là những người ở dưới bạn.
Sự khôn ngoan trong sử dụng quyền lực không đến với bạn sau một đêm mà bạn cần trải qua những sai lầm và mất nhiều thời gian. Khi bạn trưởng thành, bạn sẽ học được cách linh hoạt khi sử dụng quyền lực. Điều quan trọng nhất là phải công bằng, có đạo đức trong việc sử dụng quyền lực của bạn. Và nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo quyền năng, người có thể tạo ra sự khác biệt, hãy sử dụng quyền lực của mình một cách khôn ngoan.
Bài viết liên quan