Ngành công nghiệp Internet: “Bản gốc” sụp đổ còn “bản sao” sống tốt

Hầu như mọi công ty Internet Trung Quốc đều là bản sao của Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn các công ty thành công của Trung Quốc lại có mô hình sinh tồn và lợi nhuận hoàn toàn khác so với bản gốc.

Ngành Internet Trung Quốc ngày càng tiến bước ổn định hơn trên con đường thương mại hóa, cũng như lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và thị trường Nasdaq. Những công ty Trung Quốc đầu tiên được thị trường vốn quốc tế công nhận chính là các công ty Internet. Ngay từ khi ra đời, phía sau Sina, Sohu và các công ty khác đã có bóng dáng của các nhà đầu tư mạo hiểm. Không lâu sau khi khởi nghiệp, họ đã thực hiện việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngay sau đó, dưới sự thúc giục của chiếc roi mang tên “vốn đầu tư”, họ tiếp tục nỗ lực điên cuồng để mở rộng lợi nhuận.

Internet đã thực hiện được lời hứa mang tới sự giàu có cho những “học viên” Trung Quốc. Đã có hai người trẻ tuổi đã lọt vào danh sách những người giàu nhất ở Trung Quốc ở tuổi 31 và 32. Trong 10 năm qua, Internet và bất động sản là hai lĩnh vực sản sinh ra nhiều tỷ phú nhất Trung Quốc.

Bắt chước nhưng thành công hơn “bản gốc”

Về khía cạnh mô hình kinh doanh, lịch sử tăng trưởng của nền Internet Trung Quốc bị rất nhiều người coi là “bắt chước” mô hình Thung lũng Silicon. Hầu như mọi công ty Internet Trung Quốc đều là bản sao của Mỹ. Từ việc QQ sao chép mô hình của ICQ, cho đến việc của WeChat đối với Kik… Tuy nhiên, phần lớn các công ty thành công của Trung Quốc lại có mô hình sinh tồn và lợi nhuận hoàn toàn khác so với bản gốc. Trong lịch sử của Tencent, chúng ta có thể tìm thấy bóng dáng của sự mô phỏng trong các sản phẩm mang tính chiến lược của họ. Tuy nhiên có một điều rất thú vị là những kẻ bị bắt chước đã nhanh chóng sụp đổ, nhưng Tencent lại gặt hái được thành công.

Có thể thấy rằng các nhân sĩ trong ngành Internet Trung Quốc đã tìm ra phương pháp của riêng họ trong việc cải tiến ứng dụng và nắm bắt hành vi của người dùng nội địa. Trong trường hợp của Tencent, chúng ta có thể nhìn thấy tất thảy những sự khác biệt giữa hai thế giới phương Đông và phương Tây, chẳng hạn như người Mỹ sẵn sàng mua một bài hát để chính họ nghe, còn người Trung Quốc sẵn sàng mua một bài hát để tặng cho bạn bè của họ.

Ngành Internet Trung Quốc đã tìm ra phương pháp riêng trong việc cải tiến ứng dụng và nắm bắt hành vi người dùng

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Netpop Research, cư dân mạng Trung Quốc đã vượt qua cư dân mạng Mỹ trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Họ thích chia sẻ và sẵn sàng mua các mặt hàng ảo, sự nhiệt tình đối với mua sắm trực tuyến cũng lớn hơn một cách rõ rệt. Đến năm 2020, tỷ lệ mua sắm trực tuyến trong tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng ở Trung Quốc đã vượt 4 điểm phần trăm so với Mỹ. Quan trọng hơn, sự phong bế mang tính dài hạn của ngành tài chính Trung Quốc đã giúp các công ty Internet dễ dàng tìm thấy cánh cửa đột phá trong thanh toán trực tuyến và tái thiết các mối quan hệ tín dụng tài chính.

Do đó, Trung Quốc rõ ràng là một thị trường thương mại thú vị hơn Mỹ khi xét về các chỉ số như: số lượng người dùng Internet tuyệt đối, mức độ linh hoạt hay là những sự đổi mới mang tính chế độ. Năm 2019, khả năng áp dụng đổi mới của các công ty Internet Trung Quốc đã vượt qua các đối tác của Mỹ, Bắc Kinh và Thâm Quyến là hai thành phố phù hợp để thảo luận về mô hình Internet hơn Thung lũng Silicon.

Thích nghi với thế giới đang thay đổi

Nếu nói rằng người Mỹ luôn nghĩ về cách thay đổi thế giới, thì người Trung Quốc nghĩ nhiều hơn về cách thích nghi với thế giới đang thay đổi. Họ luôn sẵn lòng thay đổi cuộc sống của họ, đây là một giá trị quan về thương mại. Tóm lại, đây chính là sự khác biệt giữa quan điểm về cuộc sống, và cũng là xuất phát điểm khác nhau của rất nhiều câu chuyện kinh doanh của Mỹ và Trung Quốc.

Cho đến hiện tại, Trung Quốc vẫn là một quốc gia mang tính phi điển hình, chính phủ nắm quyền kiểm soát các nguồn lực gần như vô hạn, các tập đoàn vốn nhà nước khổng lồ đang chiếm cứ ở thượng nguồn của các ngành lĩnh vực và tham gia vào việc hoạch định chính sách. Internet là một ngành “công nghiệp nằm ngoài ánh sáng” hiếm hoi, do sự thay đổi nhanh chóng và tính bất định của tài nguyên, nên cho đến nay nguồn vốn quốc hữu vẫn chưa thể tìm ra cách thức để kiểm soát và giành lấy lợi ích đối với lĩnh vực này.

Internet của Trung Quốc là một thị trường đặc biệt, nằm độc lập với thế giới, Google – gã khổng lồ không chịu tuân theo đã bị trục xuất. Còn Zuckerberg của Facebook, dù đã học được thứ tiếng Trung khá sành sỏi, nhưng đến nay vẫn không được phép bước chân vào. Trong nội bộ Trung Quốc, những màn “phong sát” và triệt tiêu lẫn nhau giữa các nền tảng đã trở thành điều quá đỗi thường tình.

Internet đã mang lại những tiến bộ thương mại và không gian xã hội hết sức bất ngờ cho Trung Quốc, đồng thời cũng tạo ra sự hỗn loạn đầy mới mẻ cũng như sự quản chế giàu tính thủ thuật hơn. Đây rõ ràng là một câu chuyện chưa có hồi kết. Trò chơi vẫn đang diễn ra, không ai đoán được kết cục của nó.

Nguồn: Bài viết của Ngô Hiểu Ba, phóng viên Tân Hoa Xã, đăng tải trên Sina.com

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis