Trong một nghiên cứu năm 2020 do Cigna thực hiện, 61% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy cô đơn.Lần đầu tiên chuyển sang làm việc từ xa, tôi đã rất phấn khởi. Suốt nhiều năm đi làm, tôi thường xuyên gặp tình trạng kẹt xe, dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi. Khi bắt đầu làm việc tại nhà, ngoài việc lấy lại số thời gian bị lãng phí, tôi còn có thể tập trung vào công việc nhiều hơn trước.Tuy nhiên, dần dần, tôi bắt đầu cảm thấy cô đơn. Tôi có thể tập trung cao độ vào công việc, nhưng tôi chỉ có thể tương tác với mọi người thông qua các chương trình họp ảo hoặc e-mail. Tôi thấy mình trở nên ít nhiệt tình và thu mình lại nhiều hơn. Tôi dành hàng giờ để lướt mạng xã hội vì khao khát được kết nối với những người khác. Tôi dần trở nên cô lập.Cô đơn là sự đau khổ và khó chịu khi nhận thấy khoảng cách giữa kết nối xã hội mà chúng ta mong muốn với số lượng cũng như chất lượng của các mối quan hệ mà chúng ta hiện có. Khoảng cách đó có thể nhỏ hoặc lớn dựa trên cách chúng ta kết nối. Đáng buồn thay, cảm giác cô đơn đã gia tăng ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong một nghiên cứu năm 2020 do Cigna thực hiện, 61% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy cô đơn.Nếu bạn đang vật lộn với sự cô đơn, đây là những bước bạn có thể thực hiện để xóa bỏ khoảng cách kết nối đó.
Xác định nhu cầu của bản thân
Hãy bắt đầu quá trình bằng việc nhìn nhận cảm giác cô đơn này có ý nghĩa như thế nào đối với bạn. Xác định nhu cầu của bạn là điều cần thiết bởi vì cách bạn diễn giải và trải nghiệm sự cô đơn không giống với những người khác.Hãy xem xét những gì bạn cần để cảm thấy như được kết nối và phát triển mạnh trong công việc. Bạn thích hình thức tương tác và mức độ tương tác nào? Đó là cuộc nói chuyện nhỏ, cuộc họp trực tiếp hay cuộc trò chuyện nhóm? Bạn đang tìm kiếm một người cùng bạn ăn trưa? Bạn có muốn quen biết nhiều người hơn để cộng tác không?Khi xác định được nhu cầu của mình, tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng tôi không hoài niệm môi trường làm việc cũ, nhưng tôi rất cần tìm ra con đường để duy trì kết nối với những người khác và gặp gỡ những người mới hàng tuần. Ví dụ: nếu bạn cần một người cùng ăn trưa, bạn muốn gặp hai lần một tuần hay mỗi tháng một lần?Khi suy nghĩ về các câu trả lời, bạn sẽ dễ dàng xác định các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.
Đánh giá các lựa chọn
Bây giờ bạn đã xác định được những gì còn thiếu, đã đến lúc xem xét các tùy chọn có thể đưa bạn đến gần hơn với mức độ kết nối và tương tác xã hội mong muốn. Hãy đặt nhiều câu hỏi cho bản thân, chẳng hạn như:
- Có điều gì tôi có thể tận dụng nhưng lại bỏ qua?
- Tôi có thể điều chỉnh những gì để phù hợp hơn với nhu cầu của mình?
- Có tài nguyên hoặc cơ hội nào tôi có thể khám phá và tìm hiểu thêm không?
Khi trả lời những câu hỏi này, hãy cố gắng đưa ra nhiều hơn một câu trả lời và lập một danh sách các lựa chọn khả thi. Các ý tưởng có thể là tìm một không gian làm việc chung gần đó, nghiên cứu các mạng lưới hiện có tại công ty, tham gia một lớp học,…
Thực hiện bước đầu tiên
Xem lại danh sách các nhu cầu của bạn và khoanh tròn một nhu cầu mà bạn cảm thấy quan trọng nhất. Sau đó, hãy xem xét các tùy chọn mà bạn đã nghĩ ra ở bước hai kỹ hơn. Hãy cân nhắc những việc có khả năng giải quyết nhu cầu quan trọng nhất của bạn, sau đó bắt đầu với bước đầu tiên để khám phá thêm.Ví dụ: nếu bạn muốn cộng tác với những người khác, hãy hỏi quản lý xem bạn có thể cố vấn cho ai đó – người cần cải thiện một kỹ năng mà bạn có – hay không? Nếu bỏ lỡ các tương tác xã hội, bạn có thể hỏi đồng nghiệp xem họ có muốn gặp mặt và cùng nhau đi uống cà phê không? Có thể bạn sẽ thấy rằng những ý tưởng mới giúp bạn đẩy nhanh quá trình phát triển nghề nghiệp, tận dụng các kỹ năng hiện có, tạo mối quan hệ mới hoặc mở rộng nền tảng kiến thức và quan điểm của bạn, đồng thời phần nào xóa bỏ cảm giác cô đơn.Thực hiện bước đầu tiên sẽ giúp bạn bắt đầu biến ý tưởng thành hành động. Khi làm như vậy, hãy chú ý đến cảm giác của bạn. Nếu bạn vẫn cảm thấy cô đơn khi thực hiện các bước tiếp theo, đừng ngại nói chuyện với ai đó, đồng nghiệp hoặc bạn bè, về những gì bạn đang trải qua. Đồng thời, hãy theo dõi bất kỳ thay đổi nào đối với sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của bạn. Một nghiên cứu mới đây do The BMJ công bố cho thấy sự cô lập và cô đơn với xã hội có thể dẫn đến nhiều mối nguy tiềm ẩn đối với tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, chẳng hạn như khó ngủ, lòng tự trọng thấp, huyết áp cao, lo lắng và trầm cảm. Nếu bạn hoặc người thân của bạn lo ngại rằng môi trường làm việc từ xa đang có tác động tiêu cực đến sức khỏe, hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.Không dễ để đạt được sự cân bằng với môi trường làm việc, nhưng đừng bỏ qua tình huống khiến bạn luôn cảm thấy buồn bã, căng thẳng hoặc lo lắng. Công việc của bạn quan trọng và cách bạn làm việc cũng quan trọng, nhưng sức khỏe và hạnh phúc của bạn là vô giá.
Nguồn: HBR
Bài viết liên quan