Để đạt được các mục tiêu, hãy tự trắc ẩn với mình

Sự tự trắc ẩn có thể giúp bạn kiên định với mục tiêu của mình bằng cách nâng cao khả năng phục hồi sau thất bại thay vì mắc kẹt trong những cuộc suy ngẫm miên man và giày vò bản thân về những gì đã xảy ra.

Tránh xa mạng xã hội.

Giảm 10kg.

Đạt 1 triệu đô la doanh thu.

Những loại mục tiêu này thúc đẩy bạn hành động hay khiến bạn phải giật mình vì sợ hãi? Đối với một số người, việc làm rõ mục tiêu bằng những ngôn từ thật cụ thể, chi tiết có tác dụng thúc đẩy, làm sáng tỏ và hiệu quả. Đối với những người khác, điều này lại khiến họ muốn từ bỏ trước khi bắt đầu. Nếu bạn thuộc loại sau, một cách diễn đạt mục tiêu tử tế hơn với bản thân có thể là cách tiếp cận tốt nhất cho bạn.

Tự nói chuyện với bản thân bằng giọng trắc ẩn sẽ hỗ trợ việc đạt được mục tiêu của bạn theo nhiều cách. Đầu tiên, nó có thể giúp bạn bình thường hóa mọi cảm giác tiêu cực xung quanh mục tiêu của mình vì nó thừa nhận rằng sự khó chịu là một phần tự nhiên của trải nghiệm con người. Sự tự trắc ẩn cũng có thể cho phép bạn từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo vì nó để chỗ cho sự mong manh và yếu đuối của con người – sự thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có lúc mắc sai lầm, và điều đó không sao cả. Sự tự trắc ẩn còn có thể giúp bạn kiên định với mục tiêu của mình bằng cách nâng cao khả năng phục hồi sau thất bại thay vì mắc kẹt trong những cuộc suy ngẫm miên man về những gì đã xảy ra.

Nói tóm lại, sự tự trắc ẩn có thể là sự khác biệt giữa việc từ bỏ mục tiêu (hoặc tránh hoàn toàn) và đạt được chúng từng bước – ngay cả khi điều đó có thể yêu cầu bạn phải lùi lại một vài bước trước khi tiếp tục tiến lên.

Bạn nên bắt đầu từ đâu? Hãy thử những chiến lược này.

Đừng tự tạo gánh nặng cho mình

Tất cả chúng ta đều có quá khứ, và quá khứ đó có thể tác động đến nhận thức của chúng ta về những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Cách chúng ta diễn đạt các mục tiêu của mình cũng có thể mang lại một số liên kết tiêu cực đó. Nếu mỗi lần mục tiêu của bạn là “mở rộng mối quan hệ”, kết cục là bạn bị mắc kẹt trong các cuộc đối thoại vụng về không có nội dung hoặc thiếu hiệu quả, bạn sẽ bắt đầu hình thành ác cảm với từ đó. Theo bạn tại sao nhiều người ghét từ “ăn kiêng”?

Để giúp bạn viết ra những mục tiêu mà bạn cảm thấy hứng thú để theo đuổi, hãy diễn đạt chúng khác đi. Hãy sử dụng các từ mô tả tạo cảm giác rộng mở và chân thực và giúp bạn thoát ra khỏi cảm xúc mà bạn dành cho các từ vựng liên quan tới mục tiêu. Ví dụ: “Tôi muốn có một lối sống lành mạnh và chọn các hoạt động và chế độ dinh dưỡng giúp tôi cảm thấy tốt nhất mỗi ngày.” Hoặc, đối với người có tham vọng kết nối, “Tôi dự định tìm kiếm những kết nối có ý nghĩa với những người mới mỗi tuần, nơi tôi muốn gia tăng giá trị.”

“Sẽ” thay vì “sẽ không”

Các mục tiêu tập trung vào những gì bạn sẽ làm, thay vì những gì bạn sẽ dừng làm, có thể là tốt và hiệu quả nhất. Ví dụ, cuốn sách Bản năng ý chí (The Willpower Instinct) chia sẻ một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Laval ở Quebec, nơi họ phát hiện ra rằng việc tập trung vào những gì những người tham gia nghiên cứu nên ăn sẽ dẫn đến việc 2/3 số người tham gia giảm cân và duy trì mức giảm cân suốt 16 tháng sau đó. Kết quả này tốt hơn nhiều so với hầu hết các phương pháp nhấn mạnh những gì cần cắt giảm khỏi chế độ ăn của họ.

Chiến lược “Tôi sẽ” có thể được áp dụng cho các mục tiêu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống của bạn. Ví dụ: thay vì đặt mục tiêu dành ít thời gian hơn cho email, bạn có thể có mục tiêu dành thời gian tập trung mỗi ngày để làm các công việc mà không bị phân tâm. Thay vì tự nhủ bản thân ngừng xem TV vào buổi tối, hãy đặt mục tiêu chuẩn bị đi ngủ và bắt đầu đọc sách sau bữa tối. Các mục tiêu hành động tích cực không chỉ tốt hơn mà còn có thể hiệu quả hơn nhiều về mặt thu được kết quả.

Ăn mừng sự tiến bộ

Các mục tiêu chỉ bao gồm kết quả cuối cùng như “kiếm một công việc mới” có thể khiến bạn nhanh chóng mất động lực và cảm thấy thất bại. Muốn đạt được mục tiêu cuối cùng thì không sao, nhưng tôi nhận thấy rằng đối với các khách hàng mà tôi huấn luyện, việc xác định và ăn mừng sự tiến triển rất quan trọng để đạt tới thành công.

Ví dụ: nếu bạn đang tìm kiếm một vị trí mới, các bước của bạn có thể bao gồm liên hệ với một số người nhất định trong mạng lưới của bạn mỗi tuần, cập nhật hồ sơ LinkedIn của bạn hoặc thực hiện các hoạt động cụ thể giúp bạn nắm bắt các cơ hội mới. Hãy đặt chúng thành những mục tiêu ngắn hạn hơn để mỗi tuần bạn có thể ăn mừng khi hoàn thành được một điều gì đó mà bạn có quyền kiểm soát kết quả. Điều này cải thiện cảm giác tự chủ của bạn và cho phép bạn cảm thấy thành công trong suốt chặng đường, thay vì cảm thấy thất bại vì chưa đạt được kết quả mong đợi cuối cùng.

Chú trọng quy trình

Việc sử dụng câu lệnh nếu-thì là một công cụ thay đổi mạnh mẽ, “Nếu X xảy ra, thì tôi sẽ làm Y.” Chiến lược này đã được chứng minh là dẫn đến tỷ lệ thành công cao hơn đáng kể cho tất cả các loại mục tiêu. Nếu phải làm việc với mọi người trong suốt nhiều tháng, một trong những câu nếu-thì quan trọng nhất mà bạn có thể đưa ra liên quan đến mục tiêu của mình là, “Nếu tôi đi chệch hướng, thì tôi sẽ dừng lại, nghĩ về những gì tôi có thể đã làm khác đi, và sau đó bắt đầu lại một cách đúng hướng.” Vì vậy, là một phần của việc thiết lập mục tiêu dựa trên lòng tự trắc ẩn, bạn hãy bao gồm những câu như: “Nếu tôi có một tình huống khó xử trên mạng xã hội, thì tôi sẽ nghĩ về điều gì đã kích hoạt sự kiện đó và cách ngăn chặn sự kích hoạt đó cũng như phản ứng không giúp ích gì của tôi đối với nó trong tương lai.”

Đừng nghĩ đó là thất bại, mà chỉ là một bước trong quá trình. Cách duy nhất mà chúng ta thay đổi, đặc biệt là trong những lĩnh vực khó khăn lâu dài, là cho bản thân không gian để vượt lên, sau đó đứng dậy và thử lại nhiều lần.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc duy trì động lực với các mục tiêu của mình, hãy xem xét những ý tưởng này để diễn đạt chúng theo cách tử tế hơn, hỗ trợ hơn. Bạn có thể tiến về phía trước trong cuộc sống của mình và những từ ngữ bạn lựa chọn có thể tạo ra tương lai đó.

Nguồn: HBR

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis