Để chiến lược kinh doanh thành công, hãy lắng nghe nhân viên của bạn

Khi 95% nhân viên không hiểu được chiến lược kinh doanh, 90% doanh nghiệp không đạt được các mục tiêu chiến lược của họ. Lắng nghe phản hồi từ nhân viên là chìa khóa giải quyết vấn đề này.

Chiến lược kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc định hướng tạo ra một khuôn mẫu hành vi mong muốn. Một chiến lược nêu rõ cách tổ chức của bạn nên đưa ra quyết định, ưu tiên, phân bổ nguồn lực và chỉ đạo các hành động để đạt được các mục tiêu. Một chiến lược tốt là một bản đồ chỉ cho nhân viên thấy những con đường cần đi và có lẽ cũng quan trọng không kém, là những con đường nào không nên đi.

 

Việc thực hiện kế hoạch chiến lược chủ yếu dựa vào các thành viên của tổ chức. Tuy nhiên, có rất ít nhân viên tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược. Các giáo sư Robert Kaplan và David Norton nhận thấy rằng chỉ có 5% nhân viên hiểu được chiến lược của công ty họ. Không lạ khi nhân viên gặp khó khăn trong một chiến lược mà chính họ cũng không hiểu?

Ý kiến của nhân viên có thể tạo mối liên kết còn thiếu giữa chiến lược và thực thi. Một số tổ chức đã kết hợp các phương pháp lắng nghe nhân viên hiệu quả vào chiến lược tổ chức của họ. Chúng có nhiều hình thức khác nhau, nhưng bốn trong số những cách phổ biến nhất và hiệu quả nhất là:

1) Thu thập phản hồi của nhân viên trong quá trình phát triển chiến lược 

Một quy trình lập kế hoạch chiến lược thông thường chỉ liên quan đến các nhà lãnh đạo cấp cao, họ dành nhiều thời gian bàn bạc, tinh chỉnh và hoàn thiện kế hoạch kinh doanh chiến lược. Sau khi kết thúc những phiên họp bí mật này, họ trình bày với thế giới về “đứa con cưng” của họ – một kế hoạch chiến lược được xây dựng cẩn thận. Nhân viên được kỳ vọng phải hiểu, tin tưởng và triển khai kế hoạch. Tuy nhiên, việc mong đợi nhân viên tham gia vào thứ gì đó mà họ không hiểu cũng như là yêu cầu họ tin tưởng không vì lý do gì.

Nhân viên ở gần tiền tuyến nhất. Nhìn chung, họ tiếp cận với khách hàng nhiều hơn những người phát triển chiến lược trong những căn phòng họp kín. Vì vậy, tại sao không để nhân viên tham gia vào việc xây dựng kế hoạch chiến lược? Họ biết sản phẩm nào có khả năng thành công và sản phẩm nào kém hiệu quả. Họ nắm rõ trải nghiệm của nhân viên trong nội bộ công ty, và có thể dễ dàng xác định những thành phần văn hóa đó sẽ thúc đẩy sự thành công của chiến lược hay khiến nó thất bại thảm hại.

2) Thu thập phản hồi của nhân viên trong quá trình triển khai chiến lược

Giáo sư Henry Mintzberg của Đại học McGill cho rằng chiến lược hiếm khi được tạo ra trong các phòng họp; nó có nhiều khả năng được phát triển một cách không chính thức. Mặc dù nhiều tổ chức lầm tưởng rằng một chiến lược được “hoàn tất” sau khi bản trình bày PowerPoint cuối cùng kết thúc, phần lớn sự phát triển chiến lược vẫn âm thầm diễn ra trong quá trình triển khai.

Một nghiên cứu mà công ty của tôi thực hiện với hơn 1 triệu phản hồi khảo sát cho thấy, gần một phần ba nhân viên cảm thấy họ thiếu thông tin cần thiết để thực hiện công việc hiệu quả (trái ngược với 90% quản lý cấp cao và 78% quản lý cấp trung). Ngoài ra, hơn một phần ba số nhân viên được khảo sát cho biết rằng họ ngại lên tiếng vì sợ những hậu quả tiêu cực.

Truyền thông về chiến lược là một con đường hai chiều. Thông tin về chiến lược chuyển từ trên xuống dưới trong sơ đồ tổ chức và lại chuyển từ dưới lên trên trong quá trình thực hiện chiến lược. Trong cả hai trường hợp, tồn tại rất nhiều lỗ hổng cho thông tin sai lệch hoặc thiếu sót.

Hầu hết các công ty đều tiến hành một số hình thức khảo sát mức độ gắn bó của nhân viên. Khảo sát là cách tuyệt vời để đo lường trải nghiệm tổng thể của nhân viên; chúng cũng là công cụ tuyệt vời để biết liệu nhân viên có hiểu, ủng hộ và có thể thực hiện hiệu quả chiến lược của công ty hay không.

3) Thu thập phản hồi về thử nghiệm, thành công và thất bại

Giáo sư Clayton Christensen của Harvard lưu ý rằng trong một nghiên cứu về những sinh viên đã tốt nghiệp bắt đầu kinh doanh, 93% những người có chiến lược thành công đã phát triển và chuyển hướng chiến lược đó từ kế hoạch ban đầu của họ. Hẳn ai cũng nhớ câu nói nổi tiếng của cựu vô địch quyền Anh hạng nặng Mike Tyson, “Mọi người đều có kế hoạch cho đến khi họ nhận cú đấm vào miệng.” Câu nói ấy đúng cả trong thể thao lẫn kinh doanh. Nhiều tổ chức tiếp cận chiến lược theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” – “Kế hoạch đây, hãy biến nó thành hiện thực đi.” Họ đâu biết rằng, chiến lược hiếm khi là cách tiếp cận kiểu để nó đấy rồi quên nó đi, kiểu gì nó cũng hiệu quả thôi.

 

Thay vì “bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”, các công ty nên thử nghiệm nhiều chiến lược cùng lúc để tìm ra cách hiệu quả nhất. Việc một hoặc nhiều chiến lược thất bại dẫn đến một chiến lược tốt hơn mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến định hướng của công ty. Phản hồi liên tục từ nhân viên của bạn, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi chiến lược mới, sẽ cung cấp dữ liệu tốt nhất về việc thử nghiệm nào trong số này tạo ra kết quả thành công và cái nào thì thất bại.

4) Hãy nhớ rằng trải nghiệm của nhân viên sẽ củng cố (hoặc phá hủy) chiến lược, và hành động theo đó!

Tờ New York Times từng đăng một bài báo về trải nghiệm của nhân viên Amazon, trong đó họ bị đẩy quá giới hạn, được khuyến khích phá hoại lẫn nhau và bị đối xử không mấy tử tế. CEO Jeff Bezos sau đó gửi một lá thư tới các cổ đông trình bày: “Trong khi một người tràn đầy nhiệt huyết cạnh tranh có thể lựa chọn và hạnh phúc trong nền văn hóa này, thì một người yêu việc tiên phong và phát minh lại chọn một nền văn hóa khác.” Văn hóa tại Amazon không dành cho tất cả mọi người, bởi vậy, nếu Amazon cố gắng triển khai một chiến lược xung khắc với nền văn hóa nền tảng của nó, nó sẽ thảm bại.

Nhiều tổ chức hiểu rõ điểm cốt yếu này. Bởi thế, họ tiến hành các cuộc khảo sát nhân viên trước các thương vụ sáp nhập hoặc mua lại, để tìm hiểu xem các nền văn hóa và chiến lược liệu có tương thích, hay sẽ gây nên bất đồng.

Nguồn: Forbes, Tracy Maylett

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis