Vì sao Khởi nghiệp tinh gọn lại thay đổi tất cả?

Theo nghiên cứu mới của giáo sư Shikhar Ghosh thuộc Harvard Business School, tỷ lệ dự án khởi nghiệp thất bại là 75%, nhưng thế cục đó đang dần thay đổi nhờ vào cách thức tiếp cận mới – Khởi nghiệp Tinh gọn (Lean Start-Up).

Phong trào khởi nghiệp tinh gọn vẫn chưa trở nên hoàn toàn chính thống, và chúng ta cũng chưa cảm nhận được tác động đầy đủ của nó. Tuy vậy, tất cả các loại hình kinh doanh mạo hiểm mới đang cố gắng cải thiện cơ hội thành công của họ bằng cách bám theo các nguyên tắc như chấp nhận thất bại và liên tục học hỏi. Không chỉ ở lĩnh vực khởi nghiệp, về lâu dài, phương pháp này còn có thể đem lại lợi ích to lớn cho các loại hình doanh nghiệp khác.

Khởi nghiệp tinh gọn coi trọng việc thử nghiệm hơn là lập kế hoạch tỉ mỉ, phản hồi của khách hàng hơn là cảm tính, và mô hình phát triển dạng lặp lại hơn là kiểu thiết kế hoàn hảo toàn bộ trước khi vận hành.

Ngụy biện về một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo

Thông thường, nhiệm vụ đầu tiên của một nhà sáng lập là xây dựng kế hoạch kinh doanh – tài liệu mô tả tiềm năng kinh doanh, vấn đề cần giải quyết và giải pháp mà startup mới sẽ cung cấp. Nó thường bao gồm dự báo 5 năm về thu nhập, lợi nhuận và dòng tiền. Về cơ bản, nó là một bài tập nghiên cứu được hoàn thành trước khi một doanh nhân bắt đầu chế tạo sản phẩm; với giả định là họ có thể đoán trước hầu hết những vấn đề chưa biết của startup, trước khi huy động vốn và thực sự triển khai ý tưởng.

Sau khi thuyết phục thành công các nhà đầu tư với kế hoạch kinh doanh của mình và nhận được vốn rót, nhà sáng lập bắt đầu phát triển sản phẩm để sẵn sàng cho ngày ra mắt, với những ý kiến đóng góp rất hạn chế từ khách hàng. Chỉ đến khi sản phẩm đã được giới thiệu ra thị trường, startup mới nhận được phản hồi đáng kể từ người dùng, khi bộ phận bán hàng cố gắng bán sản phẩm. Và rất thường xuyên, sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm phát triển, nhà sáng lập mới chật vật hiểu được rằng khách hàng không cần hay muốn hầu hết các tính năng sản phẩm.

Một trong những khác biệt quan trọng giữa các công ty đã thành lập và startup là họ triển khai một mô hình kinh doanh, trong khi startup lại tìm kiếm nó. Khác biệt này định hình khái niệm về startup: một tổ chức tạm thời được thiết kế để tìm kiếm một mô hình kinh doanh có thể lặp lại và mở rộng. Theo đó, phương pháp tinh gọn bao gồm ba nguyên tắc chính:

  • Thứ nhất, thay vì dành hàng tháng trời lập kế hoạch kinh doanh dựa trên những giả thuyết chưa được kiểm chứng, họ tóm lược những suy đoán ấy trong khung mô hình kinh doanh (business model canvas). Về cơ bản, đây là một sơ đồ thể hiện cách một doanh nghiệp tạo ra giá trị cho bản thân nó và khách hàng của nó.
  • Thứ hai, startup tinh gọn sử dụng cách tiếp cận phát triển khách hàng để thử nghiệm các giả thuyết ban đầu. Họ thu thập phản hồi của khách hàng tiềm năng, người dùng đã trải nghiệm sản phẩm, và đối tác về mọi khía cạnh của mô hình kinh doanh bao gồm tính năng sản phẩm, giá cả, kênh phân phối, và chiến lược thu hút khách hàng với chi phí hợp lý. Nhờ vậy, họ liên tục kiểm chứng giả định ban đầu của mình, tái thiết kế và điều chỉnh các ý tưởng sao cho hiệu quả và thực tế hơn.
  • Thứ ba, startup tinh gọn triển khai việc phát triển linh hoạt (agile development), có nguồn gốc từ ngành công nghiệp phần mềm. Không giống như các chu kỳ phát triển sản phẩm kéo dài hàng năm, với giả định trước về các vấn đề và nhu cầu sản phẩm của khách hàng, phát triển linh hoạt loại bỏ thời gian và nguồn lực lãng phí bằng cách phát triển sản phẩm theo từng bước và tăng dần.

Chế độ Tàng hình giảm dần sự phổ biến

Khác với việc vận hành startup ở chế độ tàng hình (stealth mode), nhằm tránh đánh động đối thủ về một cơ hội kinh doanh tiềm năng, phương pháp vận hành tinh gọn cho rằng phản hồi của khách hàng quan trọng hơn bí mật kinh doanh, và phản hồi liên tục mang lại kết quả tốt hơn là những tiết lộ định kỳ.

Phương pháp khởi nghiệp tinh gọn hiện đang được giảng dạy tại hơn 25 trường Đại học, và thông qua một khoá học trực tuyến nổi tiếng trên Udacity.com. Ngoài ra, tại hầu hết mọi thành phố trên thế giới, bạn sẽ bắt gặp các tổ chức như Startup Weekend giới thiệu về phương pháp này đến hàng trăm doanh nhân triển vọng cùng một lúc. Tại những cuộc họp như vậy, các nhóm startup có thể bàn luận qua nửa tá ý tưởng sản phẩm tiềm năng chỉ trong vài giờ. Dù nghe có vẻ khó tin đối với những người chưa từng tham gia, tại các sự kiện này, vài doanh nghiệp thành lập vào tối thứ Sáu có thể tạo ra lợi nhuận thực ngay chiều thứ Bảy.

Tạo ra nền Kinh tế Khởi nghiệp, dựa trên Đổi mới

Thành công cần được dự đoán dựa trên nhiều yếu tố. Sg khi quan sát hàng trăm startup, cũng như các chương trình giảng dạy lý luận tinh gọn, và các doanh nghiệp đã được thành lập áp dụng nó, tôi có cơ sở cho tuyên bố của mình: Vận dụng phương pháp tinh gọn tại các startup sẽ giúp giảm bớt thất bại hơn khi áp dụng các phương pháp truyền thống.

Tỷ lệ thất bại khi khởi nghiệp thấp hơn có thể tác động sâu sắc đến nền kinh tế. Ngày nay, sự gián đoạn, toàn cầu hóa và các quy định đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của mọi quốc gia. Số lượng việc làm tại các ngành công nghiệp cũ đang nhanh chóng giảm sút, nhiều trong số đó sẽ không còn tồn tại. Tăng trưởng việc làm trong thế kỷ 21 sẽ phải đến từ các dự án kinh doanh mới, vì vậy tất cả chúng ta đều quan tâm đến việc thúc đẩy một môi trường giúp các doanh nghiệp thành công, phát triển và thuê được nhiều lao động hơn. Việc tạo ra một nền kinh tế đổi mới được thúc đẩy bởi sự mở rộng nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp chưa bao giờ cấp thiết hơn thế. 

Cách tiếp cận tinh gọn giúp các công ty khởi nghiệp tung ra sản phẩm mà khách hàng thật sự muốn, nhanh chóng và rẻ hơn nhiều so với các phương pháp truyền thống, đồng thời khiến việc khởi nghiệp ít rủi ro hơn.

Chiến lược Mới cho Tập đoàn Thế kỷ 21

Rõ ràng là phương pháp khởi nghiệp tinh gọn không chỉ dành cho các dự án công nghệ non trẻ.

Các tập đoàn đã dành 20 năm qua để tăng hiệu quả bằng cách giảm chi phí. Nhưng chỉ tập trung vào việc cải thiện các mô hình kinh doanh hiện tại không còn đủ nữa. Hầu hết mọi công ty lớn đều hiểu rằng họ cần phải đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ bên ngoài bằng cách liên tục đổi mới. Để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình, các tập đoàn cần tiếp tục phát minh ra các mô hình kinh doanh mới. Thử thách này đòi hỏi cơ cấu tổ chức và bộ kỹ năng hoàn toàn mới.

Nguồn: “Why the Lean Start-Up Changes Everything”, Steve Blank, Tạp chí Harvard Business Review số tháng 5/2013

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis