Cùng với ngành du lịch và sự kiện, bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Các nhà bán lẻ đã phải vật lộn với sự suy giảm của các cửa hàng truyền thống trước năm 2020 và đại dịch đã mang đến cho họ những thách thức mới như đóng cửa, sa thải nhân viên và chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh.
Bệnh dịch đã thay đổi cảnh quan bán lẻ như thế nào?
Dù đại dịch có xảy ra hay không, lĩnh vực bán lẻ đã chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến và đa kênh. Việc hàng loạt cửa hàng đóng cửa chỉ thúc đẩy quá trình chuyển đổi mà thôi. Ngành công nghiệp này đã nhanh chóng điều chỉnh để phù hợp với điều kiện đại dịch và áp dụng các biện pháp an toàn mới như thanh toán không tiếp xúc và dịch vụ giao hàng tận nơi cho khách.
Mặc dù việc chuyển sang mua sắm trực tuyến không phải lúc nào cũng bù đắp được cho sự sụt giảm doanh thu tại cửa hàng và đã có hàng loạt vụ phá sản trong toàn ngành, nhưng không phải tất cả các nhà bán lẻ đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Các lĩnh vực chưa được đánh giá cao trước đây, đặc biệt các cửa hàng bán lẻ thiết yếu như cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc, đã chứng kiến một bước nhảy vọt trong doanh số bán hàng trực tuyến.
Theo KPMG US, doanh số bán hàng tạp hóa hằng ngày tăng 110% vào tháng 4 năm 2020 so với mức trước đại dịch. Accenture cũng báo cáo rằng tỷ lệ mua sắm trực tuyến của người dùng thương mại điện tử không thường xuyên, những người sử dụng các kênh trực tuyến với tỷ lệ mua hàng dưới 25%, đã tăng 343% kể từ khi dịch bùng phát.
Hành vi mua sắm trực tuyến mới
Khi người tiêu dùng ở các nhóm tuổi và mức thu nhập đồng loạt chấp nhận mua sắm trực tuyến, đại dịch đã thúc đẩy các hành vi mua sắm mới.
Mua sắm trên các livestream và các trang mạng xã hội trở nên phổ biến rộng rãi, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Các hành vi khác như mua hàng vì bốc đồng hoặc hoảng sợ cũng mang lại cho người mua hàng cảm giác kiểm soát và thoát khỏi thực tại giữa sự căng thẳng và bất định của giãn cách xã hôi.
Mặc dù người tiêu dùng sẽ duy trì một số hành vi mới mà họ đã áp dụng, những thay đổi khác do đại dịch gây ra trong hành vi của người tiêu dùng, chẳng hạn như tích trữ và quan tâm hơn đến các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, đã bắt đầu mờ nhạt dần khi chúng ta đã thích nghi với đại dịch.
Các trung tâm thương mại trở lại?
Việc đóng cửa các cửa hàng truyền thống vừa thúc đẩy mua sắm trực tuyến vừa chỉ ra những điểm khó khăn của nó – quy trình trả hàng kéo dài và mệt mỏi, giao hàng muộn và sự thất vọng khi nhận được một mặt hàng không phù hợp với mong đợi.
Vì nhiều người tiêu dùng mong muốn được kết nối trực tiếp sau thời gian giãn cách kéo dài, họ có thể quay trở lại cửa hàng để mua sắm nhanh chóng hơn, được tận hưởng dịch vụ khách hàng tận tình và trải nghiệm các mặt hàng trước khi mua.
Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng đại dịch thậm chí có thể cứu vớt các trung tâm thương mại và cửa hàng truyền thống, vốn đã suy yếu dần trong nhiều năm. Vì đại dịch khiến mọi người đánh giá cao không gian công cộng hơn, các trung tâm mua sắm sẽ có cơ hội tận dụng sự thay đổi này và trở thành trung tâm cộng đồng mới với các cửa hàng tạp hóa, không gian làm việc thứ ba, v.v…
Theo Giám đốc Phân tích Tầm nhìn của Futures Platform, Max Stucki, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến các trung tâm thành phố: “Thật thú vị khi xem các trung tâm thành phố sẽ hoạt động như thế nào sau đại dịch. Làm việc từ xa trở nên một điều bình thường và các trung tâm thương mại có thể trở lại đồng nghĩa với việc các khu trung tâm ngày càng chỉ dành cho những trải nghiệm và giải trí – nhà hàng, rạp hát, quán bar, v.v. ”, Stucki giải thích.
Xu hướng mua sắm tại địa phương
Khi khả năng di chuyển bị hạn chế, và ý thức hỗ trợ cộng đồng nâng cao trong thời kỳ khó khăn kinh tế, đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng mua sắm tại địa phương.
Theo Capgemini, 79% người tiêu dùng đang đánh giá lại mức tiêu dùng của họ dựa trên trách nhiệm xã hội và tác động môi trường. Do đó, khi chúng ta dần dần thoát khỏi đại dịch, khả năng người tiêu dùng vẫn sẽ ưu tiên mua sắm tại địa phương.
Trong tương lai, điều này có thể khuyến khích các chuỗi cửa hàng và trung tâm thương mại tập trung nhiều hơn vào các lựa chọn được bản địa hóa. Ví dụ: chuỗi cửa hàng có thể cung cấp các mặt hàng và trải nghiệm độc quyền trong các cửa hàng khác nhau và các trung tâm mua sắm có thể phân bổ nhiều không gian cho thuê hơn cho người dân địa phương thay vì các thương hiệu toàn cầu.
“Sự quan tâm đến sản xuất địa phương có thể kể một câu chuyện sâu sắc hơn suy nghĩ của chúng ta. Đại dịch buộc mọi người phải để ý tới những thứ ở ngay xung quanh mình. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với những thời điểm mà việc nhìn ra xa là phổ biến – những món ăn lạ hoặc đi du lịch đến một đất nước xa xôi nào đó. Điều này giúp chúng tôi thiết kế lại các giá trị của mình theo hướng tiếp cận bền vững hơn,” Stucki cho biết thêm.
Tầm nhìn về ngành bán lẻ sau Covid
Với việc triển khai vắc-xin và mở lại cửa hàng, ngành bán lẻ đã phục hồi trở lại. Tùy thuộc vào thu nhập, khách hàng sẽ quay lại mua sắm với tốc độ khác nhau và với các hành vi khác nhau mà họ đã áp dụng trong thời gian giãn cách.
Các cửa hàng thực có thể sẽ tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh của mua sắm online giống như trước đại dịch, khiến các nhà bán lẻ phải suy nghĩ lại về trải nghiệm tại cửa hàng của họ. Chúng ta có thể nhìn thấy các thay đổi trong cách bố trí cửa hàng, không gian mua sắm được chú trọng hơn, các biện pháp tăng cường sức khỏe và các dịch vụ nội địa hóa hơn trong những năm tới.
Khi đại dịch cho thấy mọi cửa hàng bắt buộc phải cạnh tranh với trực tuyến thành công, nhiều nhà bán lẻ hiện có thể áp dụng cách tiếp cận ưu tiên kỹ thuật số trong các cửa hàng vật lý của họ và sử dụng không gian vật lý cho các dịch vụ độc quyền nhằm bổ sung cho trải nghiệm trực tuyến.
“Tương lai của thiết kế và trải nghiệm bán lẻ sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới tại cửa hàng thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng. Trải nghiệm được cá nhân hóa sẽ là chìa khóa để đáp ứng kỳ vọng mới của khách hàng,” Shiori Ota, Nhà phân tích tầm nhìn tại Futures Platform cho biết:
Các nhà bán lẻ trên nhiều lĩnh vực cần xem xét khách hàng của họ đã thay đổi như thế nào trong đại dịch và giải quyết các ưu tiên mới theo những cách sáng tạo.
Nguồn: FUTURES PLATFORM
Bài viết liên quan