Việt Nam đã có sự phát triển mạnh về trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng số lượng cán bộ có trình độ cho lĩnh vực này còn ít.
Thundermark Capital (công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại New York) mới đây đã công bố Bảng xếp hạng nghiên cứu AI toàn cầu. Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng ấn tượng ở vị trí 26, là một trong hai đại diện của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore, lọt vào top 30 thế giới về nghiên cứu AI.
Trong Top 100 công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực nghiên cứu AI, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 20 với sự tăng tốc ấn tượng của VinAI (Tập đoàn Vingroup). VinAI xếp sau NEC (Nhật Bản – 19), trên Bosch (Đức – 21) và nhiều tên tuổi lớn như ByteDance (Trung Quốc – 23), SenseTime (Trung Quốc – 27) và Naver (Hàn Quốc – 28).
VinAI mới thành lập được 3 năm nhưng đã nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực xe tự hành, nghiên cứu mã gen, phát triển trợ lý bác sĩ ảo.
VinAI cũng đã công bố nhiều công trình khoa học về AI tại nhiều hội thảo quốc tế. Sự phát triển lớn mạnh của VinAI đến từ đội ngũ gần 200 nhà khoa học và kỹ sư AI, tập hợp từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Các doanh nghiệp Việt Nam khác như Viettel, VNPT, FPT cũng đã đầu tư, nghiên cứu và phát triển AI trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, vấn đề khiến các doanh nghiệp này luôn trăn trở không phải tài chính, siêu máy tính mà là thiếu nguồn nhân lực về AI tại Việt Nam.
Theo số liệu của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), hơn 1.600 người Việt Nam đang học tập và làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến AI. Chỉ có khoảng 700 người, trong đó có 300 chuyên gia, đang làm công việc này ở Việt Nam. Nếu tính con số gần 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT, nguồn nhân lực AI là quá ít.
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc điều hành TopCV, cho biết vài năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng nhân sự AI tại Việt Nam cao nhưng vẫn thiếu. Nguồn cung nhân sự AI ở Việt Nam mới đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong nước.
Kỹ sư AI là nghề được các doanh nghiệp trải thảm đỏ chào đón. Theo báo cáo thị trường CNTT 2021 của TopDev, mức lương trung bình rơi vào khoảng 38 – 132 triệu đồng/tháng – nằm trong top 10 công việc có mức lương cao nhất Việt Nam.
Giải pháp
Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp phải tuyển dụng chuyên gia từ nước ngoài, tuyển dụng nhân tài trẻ để đào tạo, hoặc “đặt hàng” từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Chỉ khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT có thể làm việc trong lĩnh vực AI, số còn lại phải đào tạo thêm. Các chuyên gia cho rằng cần có chương trình đào tạo chuyên nghiệp về AI.
Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Không gian mạng Viettel cho biết, Viettel đã tích cực tuyển dụng chuyên gia, kỹ sư Việt kiều chuyên về AI từ Mỹ, Pháp, Nga, Hàn Quốc và hợp tác với chuyên gia nhiều nước (Mỹ, Nhật, Singapore, Phần Lan).
“Chúng tôi cũng hợp tác với các trường đại học để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học dữ liệu và AI cho lực lượng kỹ sư hiện có”, ông Quý nói.
Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc FUNiX xSeries, cho rằng cần liên kết các cơ sở đào tạo AI, đưa nhiều đối tượng hơn vào đào tạo AI chứ không chỉ những người có bằng cử nhân toán hay lập trình.
TS Hồ Tú Bảo, Giám đốc PTN Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Bộ GD-ĐT), cho rằng để AI có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống, các trường đại học cần dạy cho sinh viên kỹ năng thống kê và sử dụng dữ liệu.
Ngoài ra, thay vì coi AI là một bộ phận của khoa công nghệ thông tin, các trường nên xây dựng chương trình đào tạo đại học và sau đại học chuyên về AI và khoa học dữ liệu.
Ở góc độ chuẩn bị nguồn nhân lực, TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Việt Nam nhấn mạnh, việc đào tạo tại các trường đại học là chìa khóa để giải bài toán thiếu hụt nhân sự về AI.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông
Bài viết liên quan