Chiến lược chuỗi cung ứng và ra quyết định liên quan đến việc cân bằng nhiều ưu tiên cạnh tranh, từ tốc độ, chi phí cho đến khả năng phục hồi và sử dụng AI. Nhưng ngay cả khi sự cân bằng là đúng, nó cũng sẽ không đúng mãi.
Các quyết định chiến lược chính là nền tảng của quản lý chuỗi cung ứng. Từ các nguyên tắc cơ bản về đối tượng và số lượng mua, đến sự tương tác với các công nghệ mới nhất. Các CPO và giám đốc chuỗi cung ứng phải quyết định chiến lược của họ dựa trên tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cụ thể của họ, cũng như giá trị được đặt trên những động cơ vốn thường mâu thuẫn lẫn nhau như ngân sách, tốc độ, đạo đức, hiệu quả, tính bền vững, tính linh hoạt và tất nhiên là chi phí.
Để đạt được sự cân bằng hoàn hảo của tất cả các biến số này là một thách thức vĩnh cửu, bởi vì ngay cả khi đạt được KPI và lợi nhuận, vẫn có nguy cơ luôn hiện hữu là mọi thứ sẽ thay đổi. Thị trường chuyển dịch, công nghệ phát triển và những điều bất ngờ sẽ luôn chực chờ.
Trong 1-2 năm qua có đầy rẫy những ví dụ về sự gián đoạn đã đặt các quyết định về chuỗi cung ứng lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội đồng quản trị. Một chiến lược chuỗi cung ứng lý tưởng sẽ vừa đủ linh hoạt để đối phó với khủng hoảng và ngăn chặn thảm họa. Việc sở hữu quá nhiều năng lực sẽ không hiệu quả và kìm hãm sự nhanh nhạy, nhưng một chuỗi cung ứng quá tinh gọn thì lại có nguy cơ trở nên quá mong manh để thích ứng với những thay đổi đột ngột.
Trong lịch sử đối với nhiều doanh nghiệp, khả năng phục hồi là một điều gì đó theo kiểu “sự đã rồi”. Emile Naus, đối tác tại công ty tư vấn BearingPoint, cho biết: “Chiến lược chuỗi cung ứng tập trung vào việc giảm chi phí trong 30 năm qua. Kết quả là chúng tôi đã có một chuỗi cung ứng toàn cầu xếp ở vị trí dẫn đầu suốt một thời gian dài, hàng tồn kho cao (được hỗ trợ bởi lãi suất rất thấp) và chi phí thấp. Nhưng điều này đã dẫn tới một “chi phí” đáng kể khó nhìn thấy hơn tài chính. Về cơ bản, các chuỗi cung ứng dài với nhiều yếu tố trong chuỗi sẽ thiếu tính linh hoạt hơn và khả năng phục hồi cũng kém hơn.”
Chuyển đổi chuỗi cung ứng như một chiến lược
Chuỗi cung ứng kém mạnh mẽ hơn đòi hỏi những quyết định lớn và thay đổi nhanh chóng khi xảy ra gián đoạn. Nhưng sự biến động của các hoạt động phòng thủ cũng có thể là cơ hội để chuyển đổi lâu dài có giá trị.
Naus nói: “Chiến lược chuỗi cung ứng sẽ cần phải có một cái nhìn cân bằng hơn về rủi ro, tính linh hoạt, đầu tư và chi phí. Sau đó, các nhà hoạch định chiến lược chuỗi cung ứng sẽ cần tìm ra những chỗ mà họ có thể giảm tác động lên chi phí hoạt động một cách hợp lý, điều này sẽ thúc đẩy xu hướng hiện có đối với tự động hóa… người máy và ứng dụng AI.”
Học máy, trí tuệ nhân tạo và Internet Vạn vật có lẽ là những khái niệm mơ hồ. Nhưng chúng có thể giúp mọi người và doanh nghiệp sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, nâng tầm các quy trình chuỗi cung ứng đã được thiết lập như ERP, EAM, CRM, ITOM và HCM lên một tầm cao mới và hơn thế nữa.
Chris Gabriel, CTO tại công ty tư vấn phần mềm kinh doanh Sapphire Systems, cho biết: “Chúng tôi đang thấy các chuỗi cung ứng thông minh có thể giám sát tàu trên biển hoặc các container trong cảng và cung cấp đầu vào dữ liệu tự động để dự báo hoặc quản lý kho hàng. Chúng tôi đang thấy các thuật toán có thể dự đoán cách khách hàng sẽ thanh toán. Tất nhiên, chúng tôi cũng chứng kiến sự phát triển trong công nghệ học máy, khả năng nhận biết và hành động dựa trên các thông tin trong tài liệu, hoặc những định dạng khác cùng với việc ra quyết định tự động để tăng tốc độ luân chuyển trong các tổ chức.”
Thực hiện bước nhảy của niềm tin về mặt chiến lược
Quyết định chiến lược quan trọng đối với nhiều người không phải là có nên tham gia vào dữ liệu lớn và AI hay không, mà là khi nào và ở mức độ nào. Sẽ là một quyết định dễ dàng đối với những người dẫn dắt thị trường khi đầu tư mạnh tay vào các công nghệ mới nổi, bởi vì họ có thể chấp nhận cái giá phải trả và thậm chí coi thất bại là bài học quý giá. Nhưng đó sẽ là một quyết định khó khăn đối với những doanh nghiệp nhỏ hơn.
Việc áp dụng các phương pháp mới sẽ chứa đựng rủi ro, và việc chờ đợi những công nghệ tốt nhất có thể rất hấp dẫn. Tuy nhiên, việc trì hoãn những quyết định lớn này có thể đồng nghĩa với việc bị bỏ lại phía sau. Và mặc dù việc triển khai các hệ thống mới phức tạp có vẻ rất tốn kém, nhưng điện toán đám mây hiện đang cung cấp các tùy chọn mô-đun và thân thiện với người dùng. Điện toán đám mây đang giúp cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được công nghệ mới nhất, nhưng Gabriel nói thêm rằng sẽ cần một bước nhảy của niềm tin về mặt chiến lược, bởi vì ở một mức độ nhất định, điện toán đám mây sẽ đòi hỏi việc viết lại các quy tắc.
“Điện toán đám mây nói rằng: ‘Đừng định hình doanh nghiệp của bạn với hệ thống ERP, mà hãy sử dụng phương pháp tốt nhất trong hệ thống ERP đám mây (Cloud ERP) để định hình lại doanh nghiệp của bạn.’ Đó có thể là một bước đi khó khăn đối với nhiều tổ chức, nhưng lợi ích của việc chuyển đổi từ hệ thống hồ sơ sang hệ thống hành động là vô cùng to lớn.”
Sự hỗn loạn suốt 18 tháng qua do đại dịch đã làm tăng giá trị của khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng, và rõ ràng những lợi ích của AI là không thể phủ nhận. Giữa vô vàn biến số, có lẽ sự thay đổi chính là hằng số, nó luôn đi kèm với chi phí và rủi ro. Nếu sự thay đổi là không thể tránh khỏi, thì ‘làm thế nào’ và ‘khi nào’ vẫn là quyết định của các nhà quản lý chuỗi cung ứng, do đó những hành động hướng tới cân bằng vẫn cần phải duy trì.
Nguồn: Raconteur.net
Bài viết liên quan