Biết cách thiết lập danh mục đầu tư để không lạc lối

Một yếu tố vô cùng quan trọng cho việc thành công hay thất bại khi tham gia vào bất kỳ thị trường nào đó là việc thiết lập danh mục đầu tư.

 

Thế nào là danh mục đầu tư?

Danh mục đầu tư (Investment Portfolio) theo định nghĩa chính là sự kết hợp nắm giữ các loại chứng khoán, hàng hóa, bất động sản, các công cụ tương đương tiền mặt hay các tài sản khác bởi một cá nhân hay một nhà đầu tư thuộc tổ chức với mục đích là làm giảm rủi ro bằng cách đa dạng hoá đầu tư”.

Đây chính là việc tuân thủ nguyên tắc ” trứng không bỏ cùng một giỏ”. Có một danh mục đầu tư tốt, thường dẫn đến hiệu quả cao về mặt tài chính. Khi không có một danh mục đầu tư, chúng ta dễ bị FOMO và chạy theo đám đông, khi thì mua cái này, khi thì mua cái khác và điều này cũng tương tự như khi ta ra chợ và đứng giữa một rừng kẻ bán người mua, chúng ta dễ bị lạc lối, bối rối không biết phải mua gì?

 

Làm sao để thiết lập danh mục đầu tư?

Có ba điểm quan trọng ảnh hưởng đến việc thiết lập danh mục đầu tư.

Điều đầu tiên cần đó là mức độ chấp nhận rủi ro. Vì đây là lĩnh vực tài chính, nên có một nguyên lý luôn đúng và làm kim chỉ nam cho mọi việc, đó là:”high risk high return”- Điều này có nghĩa rủi ro cao phải đi cùng lợi nhuận cao và ngược lại.

Như vậy, có thể thấy có 3 mức độ chấp nhận rủi ro:

– Mức độ rủi ro thấp, an toàn là trên hết. Đây là lựa chọn của các nhà đầu tư theo trường phái Nhà đầu tư bảo thủ (Conservative investors). Điển hình là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Đối với họ, làm gì thì làm miễn là ăn chắc, cho dù lợi nhuận có thấp cũng không sao.

– Mức độ rủi ro cao hay còn gọi lợi nhuận là trên hết của các Nhà đầu tư liều lĩnh (Aggressive investors). Đây là những người chấp nhận tình trạng: “được ăn cả, ngã về không”. Điển hình như nhà đầu tư Bill Hwang, có thể nói là người đi từ con số không, lên rất nhanh cho đến 20 tỷ USD để rồi sụp đổ trong 1 phút. Hoặc như Masayoshi Son, được mệnh danh nhà đầu tư quyền lực nhất giới công nghệ với những lần lên voi xuống chó.

– Mức độ rủi ro trung dung, được hiểu vừa phải đảm bảo an toàn vừa chấp nhận rủi ro ở một mức độ vừa phải. Đây là trường phái của các Nhà đầu tư trung dung (Moderate Investors). Họ vừa mong muốn có lợi nhuận cao nhưng lại không muốn đánh liều mọi thứ.

Vậy nên chọn mức độ nào thì tốt?

Việc chọn cái nào là tùy vào ý muốn, điều kiện của mỗi người và quan trọng là nó phải phù hợp với phong cách của người chọn. Không có chuyện đúng sai ở đây. Nó cũng giống như việc chọn nghề nghiệp. Chọn trở thành bác sĩ hay nhạc sĩ? hay cả hai?

Nhưng có một điều, nếu bạn là người mới và chưa từng có nhiều trải nghiệm, nên đi từng bước một. Điều này cũng giống như khi bạn bước vào một khu rừng có nhiều cạm bẫy, đầu tiên hãy thận trọng đi chậm từng bước. Sau một thời gian, quen thuộc địa hình, bạn có thể chọn cách thức và con đường mà bạn làm tốt nhất để tiến tới mục tiêu an toàn và nhanh nhất.

Điểm thứ hai, mục tiêu của việc đầu tư của bạn là gì?

Thông thường, các nhà đầu tư lựa chọn theo đuổi các mục tiêu như sau:

– Mục tiêu tăng trưởng vốn (Capital Appreciation) : Là mục tiêu khi nhà đầu tư mong muốn danh mục đầu tư của họ phải gia tăng giá trị trong một khoảng thời gian nhất định nhằm đáp ứng các nhu cầu trong tương lai. Thí dụ mua xe, mua nhà, …

– Mục tiêu tạo thu nhập thường xuyên (Current Income): khác với mục tiêu tăng trưởng vốn, đây là mục tiêu khi các nhà đầu tư muốn tạo ra các khoản thu nhập thường xuyên để có thể trang trải các chi phí sinh hoạt trong đời sống.

– Mục tiêu bảo toàn vốn (Capital preservation): đây là mục tiêu của các nhà đầu tư không bị áp lực về tăng trưởng vốn hay tạo thu nhập. Nhưng cái mà họ muốn là tối thiểu hóa rủi ro và duy trì được giá trị thực của khoản đầu tư. Những nhà đầu tư với phần vốn vay, mượn.v.v. thường quan tâm đến mục tiêu này trên hết.

Xác định đúng mục tiêu trước khi thiết lập danh mục đầu tư

Điểm thứ ba ảnh hưởng đến việc xác định danh mục đầu tư đó là thời hạn thu hồi vốn.

Không một ai có thể đầu tư vĩnh viễn. Chúng ta nên biết, cuộc đời con người chia làm 3 giai đoạn: thanh niên, trung niên và lão niên. Ở mỗi giai đoạn, chúng ta đều có những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn khác nhau. Vì thế, cần phải xác định rõ việc đầu tư mà chúng ta đã chọn khi nào nên thu hồi lại.

Như vậy có thể thấy danh mục đầu tư phải được xây dựng trên nền tảng sự chọn lựa của một cá nhân. Không có một danh mục đầu tư nào phù hợp cho tất cả, và vì thế bạn không thể và không nên bắt chước danh mục đầu tư của người khác cho dù người đó là người đang thành công trên thị trường, để làm cái của mình. Bạn phải tự ngồi lại xác định theo 3 điểm đã nói ở trên để chọn cái phù hợp với mình nhất.

Quy trình xây dựng danh mục đầu tư

Mỗi nhà đầu tư thường có một quy trình khác nhau, nhưng tựu trung tất cả đều có các bước như sau:

– Bước 1: Xác định mục tiêu đầu tư.

Trước tiên phải bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu đầu tư trên cơ sở cân nhắc mức độ rủi ro. Cần phải biết tại sao mình đầu tư? Mình đầu tư để làm gì? mình chấp nhận rủi ro ra sao?

– Bước 2: Phân bổ tiền đầu tư: đây là việc định ra một công thức và phân bổ số tiền dự định đầu tư vào 3 vùng được gọi là : vùng an toàn, vùng tiềm năng, và vùng rủi ro. Thí dụ những người bảo thủ sẽ chọn công thức 8-2-0. Đây là công thức theo Pareto. 80% là phải an toàn cao, 20% là nơi tạo có thể ra giá trị lợi nhuận cao. Nhưng 0% cho vùng rủi ro. Ngược lại, người liều lĩnh sẽ chọn 0-2-8. Còn người trung dung sẻ chọn công thức vàng 5-3-2.

Vậy bạn chọn công thức nào? Nên nhớ không có một công thức nào luôn đúng và trên đời này đừng mong có thứ vừa ngon – bổ – rẻ.

– Bước 3: Chọn chiến lược quản lý danh mục đầu tư.

Có 2 dạng chiến lược quản lý danh mục :

– Chiến lược quản lý danh mục đầu tư thụ động ( passive strategy ):

Chiến lược này còn được gọi là chiến lược mua và nắm giữ, theo đó danh mục đầu tư sau khi mua sẽ được nắm giữ trong một thời gian dài. Trong suốt thời gian đó danh mục hầu như không điều chỉnh (mua thêm hay bán bớt) hoặc chỉ điều chỉnh một cách tối thiểu danh mục đầu tư. Chiến lược thụ động được cổ vũ bởi lý thuyết thị trường hiệu quả (Efficient Market Hypothesis), với niềm tin cho rằng thị trường là hiệu quả, giá cả thị trường của các cổ phiếu luôn hợp lý. Nó phản ánh một cách nhanh chóng tất cả thông tin liên quan đến cổ phiếu đó, thị trường là một cơ chế định giá hiệu quả và do đó không tồn tại các chứng khoán bị định giá sai. Do vậy, không cần phải bỏ công tìm kiếm các chứng khoán bị định giá sai và mua bán chứng khoán một cách chủ động. Chiến lược đầu tư thụ động tiêu biểu nhất chính là chiến lược khớp chỉ số (Match – Index – Strategy).

– Chiến lược quản lý danh mục đầu tư chủ động ( Active Strategy):

Ngược lại với chiến lược thụ động, chiến lược chủ động luôn chú trọng sử dụng các chỉ số kinh tế, tài chính, cùng các công cụ khác nhau để đưa ra các dự báo về thị trường và định giá từ đó mua bán một cách chủ động để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với việc chỉ mua và nắm giữ. Trong nhóm này đôi khi người ta còn chia ra nhóm lướt sóng hay nhóm theo xu hướng.

Việc chọn chiến lược nào thì cũng như trên đó là sự lựa chọn của bạn.

– Bước 4: lựa chọn mã chứng khoán, cổ phiếu hay hàng hóa, coin,v.v, một cách cụ thể trên cơ sở tìm hiểu rõ về món hàng mình sắp đầu tư.

Hình dưới đây là một thí dụ, trong đó có 3 hàng cho 3 vùng an toàn, tiềm năng và rủi ro. Có nhiều cột: cột tỷ lệ và nhóm các cột sản phẩm đầu tư. Thí dụ cột đầu tiên là cột về các đồng tiền mã hóa. Các cột kế tiếp có thể là chứng khoán, chứng khoán phái sinh, vàng, forex,….

Lưu ý trong một ô có thể có nhiều sự lựa chọn và sự lựa chọn này không phải là thiết lập ngay từ đầu. Sự lụa chọn để tìm ra một sản phẫm tốt đôi khi còn tùy cơ may. Bất cứ sự cưởng cầu nào đều dẩn đến nhiều rủi ro khó tránh. Thà rằng chưa lựa chọn và xuống tiền thì tiền vẫn là của bạn. Nhưng lựa xong và tiền đã xuống rồi thì rủi ro đã bắt đầu.

Hãy thiết lập một danh mục theo cách của bạn. Đây chỉ là bước đầu, bạn phải theo dõi và tính xem danh mục này sinh lời hay lỗ ra sao. ROI là bao nhiêu? Để điều chỉnh lại sau thời gian bạn có đủ kiến thức và trải nghiệm.

Chúc các bạn thành công.

 

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis