Trong lĩnh vực thiên văn học, hiện tượng hệ nhị nguyên xảy ra khi hai ngôi sao có chung một quỹ đạo do sự tương tác của lực hấp dẫn. Lịch sử loài người cũng từng chứng kiến những tình huống tương tự, những mối quan hệ hợp tác và đối đầu của những cặp đôi “siêu sao” như Albert Einstein và Niels Bohr trong lĩnh vực Vật lý học thế kỷ XX, hay Thomas Jefferson và Alexander Hamilton trong thời kỳ đầu chính trường Mỹ.
Bắt đầu vào cuối những năm 1970, thời kỳ 30 năm đầu của kỷ nguyên máy tính cá nhân, chúng ta lại có cơ hội chứng kiến hai ngôi sao công nghệ đầy nhiệt huyết, cùng bỏ dở học đại học, cùng sinh năm 1955 và “quay cùng một quỹ đạo” như vậy. Mối quan hệ giữa hai người đàn ông quyền lực này đã trải qua nhiều sắc thái: khi là đối tác, lúc trở thành bạn bè và thỉnh thoảng còn thù địch lẫn nhau. Thậm chí có những thời điểm cả ba tính chất hợp lại thành một. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về mối tình-thù vĩ đại này qua những trích đoạn thú vị nhất trong cuốn Tiểu sử Steve Jobs:
Mặc dù có chung một tham vọng với công nghệ và kinh doanh nhưng Bill Gates và Steve Jobs lại có nền tảng và tính cách khác nhau. Cha của Gates là một luật sư danh tiếng ở Seattle, còn mẹ ông là một nhà lãnh đạo cộng đồng uy tín. Ông trở thành người đam mê công nghệ khi theo học một trường tư tốt nhất trong khu vực, trường Lakeside High. Tuy nhiên, Gates chưa bao giờ tỏ ra là một người nổi loạn, lập dị, theo đuổi tâm linh hay một thành viên của phong trào phản văn hóa.
Thay vì chế tạo ra chiếc hộp quay số điện thoại Blue Box để chơi khăm công ty viễn thông như Jobs, Gates thiết kế một chương trình lập thời gian biểu các lớp học của trường, một phi vụ đã giúp ông có thể gặp mặt được đúng những cô bạn gái mà ông nhắm tới; hay viết chương trình đếm lưu lượng xe ô tô cho các kỹ sư giao thông ở địa phương. Ông từng theo học Đại học Harvard và đã quyết định bỏ dở việc học của mình, nhưng không phải để tìm kiếm sự giác ngộ với một đấng tối cao ở Ấn Độ, mà để khởi nghiệp một công ty sản xuất phần mềm máy tính.
Không giống Jobs, Gates có khả năng lập trình tốt và suy nghĩ của ông thực tế, nguyên tắc hơn Jobs. Hơn nữa, Gates có khả năng phân tích dữ liệu. Jobs thì ngược lại, hành động theo cảm tính, lãng mạn hơn và có bản năng nhạy cảm với quyết định sáng tạo ra những công nghệ dễ sử dụng và thiết kế tinh tế cùng giao diện thân thiện với người dùng. Jobs có niềm đam mê với sự hoàn hảo, điều khiến ông luôn đòi hỏi một cách nghiêm khắc và ông quản lý dựa trên khả năng thuyết phục cũng như sự tùy tiện và thất thường của cảm xúc. Gates thì làm việc có hệ thống, ông duy trì các cuộc họp đánh giá sản phẩm được ghi trong lịch trình một cách chặt chẽ. Tại các cuộc họp này, ông sẽ mổ xẻ trúng các vấn đề với kỹ năng sắc bén.
Cả Jobs và Gates đều thô lỗ nhưng với Gates, người đã sớm bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách một kẻ đam mê công nghệ và có những dấu hiệu của hội chứng Asperger, thì hành động của ông bớt tính cá nhân và dựa trên suy nghĩ lý trí hơn là cảm tính. Jobs sẽ nhìn chằm chằm vào người khác với ánh mắt như thiêu đốt và có thể gây tổn thương, còn Gates đôi khi lại có vấn đề với giao tiếp qua ánh mắt, nhưng ông căn bản vẫn là người nhân ái.
Andy Hertzfeld kể: “Ai trong số họ cũng nghĩ rằng mình thông minh hơn đối phương. Steve luôn coi thường Bill vì cho rằng Bill có gu thẩm mỹ kém hơn, còn Bill thì không coi trọng Jobs vì cho rằng Jobs không có kỹ năng lập trình.” Từ thời kỳ đầu của mối quan hệ giữa họ, Gates đã ấn tượng và đôi chút ghen tỵ với khả năng mê hoặc mọi người của Jobs. Nhưng ông nhận ra rằng Jobs là người “về cơ bản kỳ quặc” và “không hoàn mỹ trên phương diện một thực thể tồn tại”, ông cũng không thích sự thô lỗ ở Jobs, người có xu hướng “vừa muốn quát mắng lại vừa muốn cám dỗ người khác.” Về phần Jobs, ông lại cho rằng Gates là người có suy nghĩ bó hẹp. Jobs có lần đã tuyên bố: “Ông ấy sẽ là một người suy nghĩ thoáng hơn nhiều nếu thử dùng chất kích thích một lần hay bước vào vùng đất thánh khi còn trẻ.”
Những khác biệt về tính cách và cách cư xử đã dẫn họ đến hai phía đối lập nhau trong cái gọi là ranh giới phân chia cơ bản của kỷ nguyên công nghệ. Jobs là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, luôn khao khát quyền kiểm soát và ấp ủ khí chất không thỏa hiệp của một nghệ sĩ. Ông và Apple đã trở thành hình mẫu của một chiến lược công nghệ số mà tất cả phần cứng, phần mềm và nội dung liên quan đều được tích hợp thành một khối hoàn hảo. Gates là một người thông minh, cẩn trọng và là một nhà phân tích thực dụng trên cả lĩnh vực kinh doanh lẫn công nghệ. Ông thậm chí còn cởi mở về việc cấp phép hệ thống vận hành và phần mềm của Microsoft cho rất nhiều nhà sản xuất khác.
Dù vậy sau 30 năm, Gates đã thể hiện sự thừa nhận dù vẫn còn miễn cưỡng với Jobs: “Ông ấy không bao giờ là người hiểu biết nhiều về công nghệ, nhưng ông ấy có khả năng thiên bẩm đáng kinh ngạc về cái gì nên làm và sẽ mang lại kết quả tốt.” Tuy nhiên, Jobs không bao giờ đáp lại sự thừa nhận đó bằng việc đánh giá đúng những thế mạnh thật sự của Gates. Jobs từng nói, không công bằng, rằng “Bill thực chất là một người thiếu tính sáng tạo và ông ấy chẳng bao giờ phát minh ra được cái gì. Đó là lý do vì sao đến giờ ông ấy cảm thấy thoải mái với việc làm từ thiện hơn là tập trung vào công nghệ. Ông ấy chỉ đơn giản đánh cắp những ý tưởng một cách đáng xấu hổ từ người khác.”
Màn tranh cãi đi vào lịch sử
Hai người nói chuyện trong phòng họp của Jobs. Gates thấy xung quanh ông chắc phải có đến 10 nhân viên của Apple đang háo hức chờ xem ông chủ của họ lao vào đánh vị khách được “trịnh trọng” mời đến. Và Jobs đã không làm thất vọng sự chờ đợi của người xem. Ông hét lên: “Ông đã lừa dối chúng tôi! Tôi đã tin tưởng ông và giờ, ông đánh cắp ý tưởng đó từ chúng tôi.” Hertzfeld kể rằng Gates lúc đó chỉ ngồi nghe một cách lạnh lùng, nhìn thẳng vào mắt Steve trước khi đáp trả với giọng đanh gọn mà sau đó nhiều người cho rằng đây là câu trả lời rất thông minh: “Ồ, Steve, tôi nghĩ rằng có nhiều hơn một cách để nhìn nhận sự việc này. Tôi nghĩ nó giống như kiểu chúng ta cùng có một ông hàng xóm rất giàu có tên là Xerox, tôi quyết định đột nhập vào nhà ông ta để lấy trộm chiếc tivi và phát hiện ra rằng ông đã lấy nó mất rồi.”
Chuyến viếng thăm hai ngày của Gates đã kích động toàn bộ các cung bậc cảm xúc và kỹ năng thao túng của Jobs. Nó cũng làm sáng tỏ mối quan hệ vốn được coi là cộng sinh của Apple và Microsoft đã trở thành “một vũ điệu bọ cạp”, trong đó cả hai bên đều di chuyển một cách chậm chạp, thăm dò nhau vì biết rằng, chỉ một bên “chích nọc độc” vào đối phương thì có thể gây khó dễ cho cả hai. Sau cuộc đối đầu tại phòng họp, Gates lặng lẽ trình diễn bản thử nghiệm theo kế hoạch cho Jobs. Gates nhớ lại: “Steve không biết phải nói gì. Ông ấy có thể nói: ‘Phải rồi, đó là một sự vi phạm ý tưởng,” nhưng ông ấy không nói. Ông ấy chọn cách phát ngôn: ‘Ồ, nó thật sự là một thứ rác rưởi.’” Gates cảm thấy hồi hộp bởi ông nghĩ đây là cơ hội để trấn tĩnh Jobs một lúc. “Tôi nói, ‘Đúng rồi, nó là một thứ rác rưởi đẹp đẽ.’” Jobs lại trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Gates kể:
“Trong suốt buổi nói chuyện, ông ấy thậm chí còn cực kỳ thô lỗ. Và sau đó, có lúc ông ấy lại gần như sắp khóc, giống kiểu ‘Ôi, hãy cho tôi cơ hội giải quyết mọi việc.’” Gates đáp lại bằng vẻ bình tĩnh. “Tôi trở nên lợi thế rất nhiều khi mọi người quá cảm xúc, tôi là kiểu người ít xúc cảm.”
Giống như cách vẫn làm khi muốn nói chuyện nghiêm túc, Jobs gợi ý rằng cả hai nên ra ngoài đi bộ. Họ đi khắp các con phố ở Cupertino, đi tới đi lui Trường Cao đẳng De Anza, dừng lại để ăn tối rồi lại tiếp tục đi bộ. Gates nói: “Chúng tôi phải đi bộ, đó không phải là một trong những phương pháp quản lý của tôi. Ông ấy bắt đầu nói những thứ kiểu như ‘Được rồi, được rồi, nhưng đừng làm một thứ quá giống những gì chúng tôi đang làm.”
Rốt cuộc, Microsoft đã không thể hoàn thiện hệ điều hành Windows 1.0 kịp để phân phối cho đến tận mùa thu năm 1985. Thậm chí lúc tung ra thị trường, nó còn được coi là một món hàng hóa thứ phẩm: Không có sự sang trọng như thiết kế giao diện của Macintosh; thêm nữa, cửa sổ lệnh lại chỉ có thể đặt xếp cạnh nhau trên màn hình thay vì đặt chồng lên nhau như Bill Atkinson đã phát minh. Các nhà phê bình chế nhạo và người dùng bỏ rơi nó. Tuy nhiên, như thông lệ với tất cả các sản phẩm của Microsoft, sự kiên trì, bền bỉ cuối cùng đã giúp Windows trở nên tốt hơn và cuối cùng là vượt trội.
Jobs chưa bao giờ nguôi giận. Sau gần 30 năm, Jobs vẫn nói với tôi rằng “Họ hoàn toàn lừa đảo chúng tôi và Gates không bao giờ biết xấu hổ vì điều đó.” Khi nghe được điều này, Gates đáp lại: “Nếu ông ấy cho rằng như vậy thì ông ấy thật sự sử dụng kỹ năng ‘bóp méo sự thật’ của mình.” Đứng trên phương diện pháp lý thì Gates hoàn toàn đúng vì qua thời gian tòa án sau đó đã quy định như vậy. Và xét về mặt thực tế thì ông ấy cũng ở vào tình thế có lợi. Mặc dù Apple đã có thỏa thuận ký kết được quyền sử dụng những công nghệ mà họ đã chứng kiến ở Xerox PARC, nhưng nó cũng hiển nhiên rằng các công ty khác cũng có thể phát triển giao diện đồ họa tương tự. Như Apple phát hiện ra, việc “nhìn và cảm nhận” một thiết kế giao diện máy tính là thứ khó để bảo vệ.
Và việc Jobs mất tinh thần là điều có thể hiểu được. Apple đã từng sáng tạo hơn, giàu trí tưởng tượng hơn và lịch lãm hơn trong sản xuất cũng như thông minh trong cách thiết kế. Thế nhưng, dù chỉ tạo ra một chuỗi các sản phẩm sao chép sơ sài, Microsoft cuối cùng có thể chiến thắng trong cuộc đua của các hệ điều hành. Điều này bộc lộ một kẽ hở trong cách thế giới vận hành: Không phải lúc nào sản phẩm tốt nhất và sáng tạo nhất cũng chiến thắng. Một thập kỷ sau đó, sự thật hiển nhiên này đã khiến Jobs có một phát biểu khoa trương có phần hơi ngạo mạn và quá đáng, nhưng cũng có phần đúng. “Vấn đề duy nhất của Microsoft là họ không có gu thẩm mỹ, thật sự là chẳng có hiểu biết gì về thẩm mỹ. Tôi không ám chỉ những điều nhỏ nhặt, mà tôi muốn nói theo nghĩa rộng hơn, đó là họ không hiểu về ý tưởng gốc và họ không mang được nét văn hóa vào sản phẩm của mình.”
Qua những trích đoạn trên, có lẽ các bạn đã có được một hình dung khá đầy đủ về một mối quan hệ đầy phức tạp của họ, cũng như phần nào nhìn thấu được sự phức tạp trong chính con người của Jobs. Mặc dù biết ơn Bill Gates vì đã cứu Apple vào năm 1997, nhưng Jobs vẫn luôn có những suy nghĩ tiêu cực về phẩm chất và kỹ năng của Bill Gates.
Mối quan hệ bạn-thù của họ kéo dài mãi đến những giây phút đời của Jobs. Jobs từng đánh giá Bill Gates là “một người đàn ông tài giỏi với khiếu hài hước tuyệt vời”, nhưng lời nhận xét cuối cùng của Jobs về Bill Gates đã cho thấy mối quan hệ đầy phức tạp của họ: “Bill thích tự gọi mình là nhà sáng tạo sản phẩm, nhưng điều đó không đúng. Bill là một doanh nhân. Việc giành thị phần đối với anh ta còn quan trọng hơn việc tạo ra những kiệt tác. Giờ đây, anh ta đã trở thành người giàu nhất thế giới. Nếu đó là mục tiêu của anh ta thì anh ta đã đạt được nó. Còn với cá nhân tôi, đó chưa bao giờ là mục tiêu của tôi, và tôi tự hỏi liệu đó có phải là mục tiêu thực sự của anh ta hay không.” Steve Jobs cũng từng nói: “Bill là người không có tinh thần sáng tạo, anh ta chưa thực sự phát minh ra bất cứ thứ gì. Và đó cũng là lý do mà tại sao anh ta thoải mái trong hoạt động từ thiện hơn là trong lĩnh vực công nghệ. Bill chỉ biết bòn rút ý tưởng của người khác một cách đáng xấu hổ.”
Nguồn: Tiểu sử Steve Jobs (Walter Isaacson, AlphaBooks phát hành)
Bài viết liên quan