Phong cách lãnh đạo của bạn là gì?

Phần lớn các nhà lãnh đạo đều có một phong cách làm việc chủ đạo – những gì họ thường tập trung theo bản năng và coi là quan trọng nhất để thành công.


Bạn có lẽ đang cân nhắc việc cần làm để thành công với tư cách là một nhà lãnh đạo mới. Sau khi đọc hàng chục cuốn sách kinh doanh, tranh luận với hàng trăm đồng nghiệp và nghiền ngẫm về điều này trong nhiều năm, tôi đã rút ra được ba điều với sự hiểu biết rõ ràng về con người, quy trình và hiệu suất.

  • Các nhà lãnh đạo định hướng hiệu suất duy trì sự tập trung vào các mục tiêu và đáp ứng thời hạn.
  • Các nhà lãnh đạo định hướng quy trình giám sát hoạt động vận hành doanh nghiệp trơn tru và hiệu quả, không ngừng tìm kiếm các phương pháp tự động hóa các nhiệm vụ giúp cuộc sống của mọi người trở nên dễ dàng hơn.
  • Các nhà lãnh đạo hướng tới con người duy trì văn hóa vững mạnh của công ty và đảm bảo mọi người được đối xử công bằng.

Phần lớn các nhà lãnh đạo có một phong cách làm việc chủ đạo và kém tiếp cận các phong cách khác. Phong cách lãnh đạo chính yếu là những gì họ thường tập trung theo bản năng và coi là quan trọng nhất, trong khi phong cách lãnh đạo thứ yếu thường là kỹ năng mà họ đã cần mài giũa theo thời gian. Nhưng, có nhận thức tốt về đa dạng phong cách lãnh đạo sẽ giúp bạn giao tiếp hiệu quả với nhóm của mình và giúp họ — và tổ chức của bạn — gặt hái được thành công.

Lãnh đạo định hướng hiệu suất

Các nhà lãnh đạo đặt hiệu suất công việc lên hàng đầu sẽ ưu tiên kết quả bằng mọi giá, điều này rất hữu ích vì hiệu suất cao có thể giải quyết phần lớn các vấn đề liên quan đến kinh doanh. Những nhà lãnh đạo này thường định hướng hành động và rất quyết đoán. Họ dành nhiều thời gian để xem kết quả hơn là xem xét quy trình.

Lãnh đạo với lối tư duy ưu tiên hiệu suất sẽ thành công, vì những nhà lãnh đạo này hoàn thành được nhiều mục tiêu hơn và không ngại đưa ra những quyết định khó khăn. Họ đi đến kết luận một cách khách quan dựa trên dữ liệu chứ không lắng nghe các cá nhân.

Điều gì xảy ra khi hiệu suất được đánh giá cao hơn quy trình?

Những nhà lãnh đạo này đưa ra những quyết định vội vàng mà không xem xét đến tác động từ những quyết định đến các quy trình hiện có. Điều này để lại một mớ hỗn độn cho người khác dọn dẹp, và có khả năng hình thành một bầu không khí hỗn loạn và căng thẳng, dẫn đến tình trạng kiệt sức và tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao.

Làm thế nào một nhà lãnh đạo định hướng hiệu suất có thể để tâm đến quy trình….

Họ thường thích thúc giục người khác  “hoàn thành công việc”, nhưng không phải lúc nào họ cũng biết cách tự mình hoàn thành nó. Một trong những mặt tốt là nhà lãnh đạo này chia nhỏ yêu cầu lớn thành nhiều nhiệm vụ nhỏ hơn, giúp dễ dàng thiết kế một kế hoạch tấn công và nắm bắt các quy trình liên quan. Kết quả là, nhân viên có thể cảm thấy tự tin hơn vào khả năng họ có thể đáp ứng yêu cầu và nhà quản lý có thể chắc chắn rằng mục tiêu của họ có thể đạt được.

Điều gì xảy ra khi bạn coi trọng hiệu suất hơn nhân viên?

Các nhà lãnh đạo có thể bỏ qua bức tranh toàn cảnh, cuối cùng dẫn đến những kết luận không chính xác và các giải pháp không phù hợp. Dữ liệu không phải lúc nào cũng nói lên toàn bộ câu chuyện. Nếu chỉ chăm chăm vào dữ liệu, một nhà lãnh đạo ưu tiên hiệu suất có thể đưa ra những quyết định sai lầm và gây áp lực lên các cấp dưới trực tiếp của họ để thực hiện các hành động hấp tấp trong trạng thái không thoải mái.

Làm thế nào một nhà lãnh đạo định hướng hiệu suất có thể quan tâm đến đội ngũ nhân viên…

Nếu bạn là người chú trọng hiệu suất, hãy làm chủ phong cách đó và lưu tâm đến giá trị to lớn mà bạn mang lại cho tổ chức của mình – nhưng cũng nên nhận thức về những thiếu sót của bạn. Hãy cố gắng trở nên dễ gần hơn và ít độc đoán hơn để xây dựng một đội nhóm cân bằng quanh bạn. Cụ thể, hãy dành thời gian để xem xét bức tranh toàn cảnh và thu nhận phản hồi từ mọi người về các vấn đề trước khi chỉ dựa vào dữ liệu. Bạn có thể nắm bắt sâu hơn các vấn đề, giải pháp và số liệu thống kê thông qua kết nối với nhân viên của bạn và nghe phản hồi của họ.

Lãnh đạo định hướng quy trình

Các tổ chức có khả năng mở rộng cần có các quy trình hợp lý và một nhà lãnh đạo theo quy trình vượt trội trong việc hình dung và triển khai chúng. Các nhà quản lý sẽ dành thời gian để xem xét tất cả các tác động của một quyết định vì họ tin rằng việc tuân thủ các quy trình này sẽ dẫn đến thành công lâu dài hơn. Họ liên tục tìm cách sắp xếp hiệu quả để tổ chức và hợp lý hóa các quy trình xung quanh họ.

Lợi ích to lớn của quy trình định giá là cơ cấu tổ chức của bạn rõ ràng, mọi người biết được kỳ vọng trên vai họ và việc mở rộng quy mô tương đối dễ dàng. Đồng thời, cá nhân các nhân viên sẽ ít thất vọng hơn vì họ ý thức được cách thực hiện công việc của mình và phải làm gì nếu họ không thể.

Điều gì xảy ra khi coi trọng quá trình hơn hiệu suất?

Trong quản lý, bạn có thể đang đánh giá nhân viên dựa trên khả năng tuân thủ các quy trình của họ thay vì xác định liệu các quy trình đó có thực sự cải thiện hiệu suất của họ hay không. Khi hiệu suất không được chú trọng, công ty hoặc bộ phận của bạn có thể trở nên trì trệ, đối thủ cạnh tranh có thể vượt qua bạn và nguồn lực của bạn sẽ dễ trở nên hài lòng với kết quả tầm thường.

Làm thế nào một nhà lãnh đạo định hướng theo quy trình có thể tập trung vào hiệu suất…

Điều chỉnh các quy trình với các chỉ số và kỳ vọng hiệu suất chính rõ ràng. Bằng cách này, người lãnh đạo có thể đảm bảo nhóm của họ đang làm việc hướng tới một mục tiêu thống nhất và phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Ngoài ra, người lãnh đạo có thể thường xuyên cung cấp phản hồi cho nhóm của họ để giúp họ cải thiện hiệu suất và giảm bớt mọi lo lắng về guồng công việc cá nhân.

Linh hoạt trong cách thiết lập quy trình của bạn cũng rất cần thiết. Thay vì áp đặt một cấu trúc theo khuôn khổ cái tôi cứng nhắc, hãy liên tục đánh giá và cải tiến các quy trình để tăng hiệu suất và hiệu quả. Bằng cách này, một nhà lãnh đạo có thể đảm bảo đội ngũ của họ luôn hoạt động tốt nhất.

Điều gì xảy ra khi coi trọng quá trình hơn con người?

Thật không may, nhiều nhà lãnh đạo định hướng theo quy trình tập trung quá nhiều vào hiệu quả hoặc tính độc đáo của quy trình mới mà bỏ qua tầm quan trọng của nhân tố con người. Họ thường áp dụng kỹ thuật quá mức cho các quy trình, và sau đó, tự hỏi tại sao nhân viên không thể bắt kịp chúng. Những kế hoạch có vẻ như rõ ràng và hợp lý nhất đối với một người nhưng không hẳn là dễ dàng để người khác thực hiện.

Làm thế nào một nhà lãnh đạo theo quy trình có thể để tâm tới nhân tố con người.

Hãy nhớ rằng không phải ai cũng cùng chung suy nghĩ với bạn! Các nhà lãnh đạo theo quy trình phải kiên nhẫn và tỉ mỉ khi đưa ra các ý tưởng mới. Đồng thời, họ phải thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho phép đánh giá khách quan về hiệu suất của từng cá nhân và giúp việc quy trách nhiệm cho nhân viên trở nên đơn giản hơn. Chẳng hạn, xem xét chia nhỏ các quy trình mới theo từng bước và tiếp nhận phản hồi về các bước cần rõ ràng hơn. Điều này sẽ giúp tất cả nhân viên hiểu rõ hơn về những ý tưởng mới và đảm bảo mọi người đều có trách nhiệm về hiệu suất của chính họ.

Lãnh đạo tập trung vào con người

Gần như mọi cuốn sách kinh doanh trên thế giới đều đề cập về tầm quan trọng của con người và tác động của họ đối với doanh nghiệp. Đây không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Khi nhân viên cảm thấy được kết nối với văn hóa nơi làm việc và người quản lý của họ, họ sẽ có nhiều khả năng làm việc hiệu quả và có động lực hơn. Bằng cách chủ động và có chủ ý phát triển đội ngũ của mình, các nhà lãnh đạo lấy con người làm chủ sẽ nâng cao giá trị của công ty một cách đáng kể.

Các nhà lãnh đạo hướng đến con người tạo ra một môi trường an toàn về mặt tâm lý, nơi nhân viên cảm thấy được tiếp sức và thoải mái nêu ra các vấn đề cũng như tìm kiếm sự trợ giúp. Điều này cực kỳ có giá trị vì nó cho phép các thành viên trong nhóm nhận được thông tin họ cần một cách nhanh chóng và chính xác mà không bị hiểu nhầm là làm việc kém hiệu quả. Các nhà lãnh đạo cũng xuất sắc trong khai thác tối đa tiềm năng của nhân viên bằng cách nhận ra điểm mạnh của họ và tạo cơ hội cho họ phát triển.

Điều gì sẽ xảy ra khi chú trọng con người hơn hiệu suất?

Điều gì xảy ra khi ai đó làm việc kém hiệu quả? Các nhà lãnh đạo định hướng theo con người thường rất giỏi trong việc đánh giá hiệu suất khi nói đến những người phát huy được vai trò của họ, nhưng có thể gặp khó khăn trong việc quy chịu trách nhiệm khi họ không làm được việc. Theo cách này, đánh giá cao con người hơn hiệu suất có thể khiến công ty gặp rủi ro. Không phải lúc nào bạn cũng có thể đào tạo những người làm việc kém hiệu quả trở nên vĩ đại, và kết quả là, bạn giữ họ ở lại làm việc quá lâu, đánh mất lòng tin của đồng nghiệp.

Làm thế nào một nhà lãnh đạo định hướng vào con người có thể chú ý vào hiệu suất…

Đảm bảo nhóm của bạn có các nguồn tài nguyên phù hợp để thành công. Phong cách lãnh đạo này không phải là làm cho mọi người hạnh phúc một cách tầm thường; nó nói về việc vạch ra con đường thuận lợi nhất dẫn đến thành công , giúp cuộc sống cá nhân của mọi người trở nên dễ dàng hơn. Tài nguyên chỉ đơn giản là tác nhân hỗ trợ và khi các thành viên trong nhóm tham gia, họ có nhiều khả năng tạo ra kết quả tốt hơn.

Ngoài ra, đừng ngại duy trì các tiêu chuẩn và kỳ vọng cao cho nhóm của bạn. Điều này tạo ra tiếng nói có trọng lượng đối với phần còn lại của tổ chức và cho phép bạn quy trách nhiệm cho các thành viên trong nhóm với tư cách là người lãnh đạo, thể hiện rằng bạn cam kết mang lại thành công cho họ. Nếu trưởng nhóm không yêu cầu cao, sẽ khó có thể mong đợi họ giữ vững thành tích của mình.

Điều gì xảy ra khi coi trọng con người hơn quá trình?

Khi ưu tiên nhân viên hơn quy trình, bạn sẽ quan tâm đến tình trạng của cấp dưới trực tiếp của mình hơn là liệu họ có tuân thủ đúng phương pháp hay không. Điều này có thể có giá trị đối với cá nhân họ, nhưng việc thiếu trách nhiệm giải trình đối với các quy trình có thể tạo ra nhiều thách thức cho người quản lý và các nhóm khác xung quanh bạn. Những người khác đánh giá hiệu suất dựa vào các quy trình mặc cho bạn “nghĩ” nhóm của mình đang làm tốt như thế nào.

Làm thế nào một nhà lãnh đạo hướng tới con người có thể để tâm đến quá trình…

Một trong những câu hỏi tôi thường hỏi đội ngũ lãnh đạo mà tôi làm việc cùng là “Đây là cảm xúc hay thực tế?” Các nhà lãnh đạo định hướng con người có xu hướng bị cảm xúc chi phối nhiều hơn những người định hướng hiệu suất. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến việc bổ sung nhân viên mới vào sai vị trí do các vai trò có thể đã được đưa vào từ trước. Vì vậy, trước khi bổ sung thêm nhân viên, trước tiên hãy xác định xem có thể thực hiện một số quy trình nhất định hiệu quả hơn hay không.

Mỗi phong cách lãnh đạo đi kèm với những ưu và nhược điểm riêng. Mục tiêu không phải là loại bỏ những điểm yếu của bạn; mà là nhận thức được chúng để xác định điểm cần hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo khác trong tổ chức của mình.

Hãy nhớ rằng, những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất là những người có thể điều chỉnh phong cách của họ cho phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu của đội nhóm. Mọi doanh nghiệp đều cần khả năng thích ứng này để đạt được sự phát triển bền vững, liên tục.

Nguồn: HBR

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis