Những mảng màu kỳ lạ trong quan hệ giữa Steve Jobs và các con

Jobs thường tập trung điên cuồng vào một mục tiêu trong một khoảng thời gian, và sau đó đột nhiên hướng sự chú ý của mình sang chỗ khác. Trong công việc, ông luôn chú mục vào thứ mà ông muốn, và một khi đã muốn điều gì thì tất cả những thứ khác đều trở nên vô nghĩa, bất chấp việc mọi người cố gắng thu hút sự chú ý của ông đến mức nào. Trong đời sống cá nhân, ông cũng hành xử y như vậy.

Phóng viên công nghệ Gina Smith Smith từng nhận xét: “Job có sức mạnh tập trung như một tia laser, và khi nó chiếu đến bạn, bạn sáng bừng trong sự chú ý của anh ta. Nhưng khi ánh sáng ấy chiếu qua một điểm khác, xung quanh bạn sẽ chỉ còn là bóng tối.” Trong chuyên mục lần này, HBR Vietnam sẽ trích dẫn vài phân đoạn quan trọng và thú vị nhất trong cuốn Tiểu sử Steve Jobs để giúp các bạn có góc nhìn tổng quan và đa chiều về mối quan hệ kỳ lạ nhưng cũng rất đỗi ấm áp giữa Job và các con của mình. 

Với Lisa Brennan-Jobs, cô con gái đầu lòng bị chính Jobs chối bỏ

Lisa sống với Jobs và Powell trong suốt bốn năm học ở Trường Trung học Palo Alto và cô bé bắt đầu dùng tên Lisa Brennan-Jobs.
Job đã cố gắng là một người cha tốt, nhưng có những lúc ông trở nên rất lạnh lùng và xa cách. Khi Lisa cảm thấy đến lúc phải trốn thoát, cô bé đến ở nhờ nhà mấy người bạn sống gần đấy. Powell rất nỗ lực hỗ trợ và cô là người tham dự nhiều nhất những sự kiện diễn ra trong trường của Lisa.

Khi Lisa trưởng thành hơn, dường như cô sớm bộc lộ khả năng. Cô tham gia nhóm làm báo ở trường học, Te Campanile, và trở thành người đồng xuất bản. Cùng với người bạn học cùng lớp, Ben Hewlett, con trai lớn của người đã trao cho cha cô công việc đầu tiên trong đời, cô đã phơi bày những bí mật khiến Ban Giám hiệu nhà trường phải đối mặt với nhà cầm quyền. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô biết mình muốn đi về phía đông. Cô đăng ký vào Đại học Harvard – giả mạo chữ ký của cha trong tờ đăng ký bởi vì lúc ấy ông vắng nhà – và được nhận vào học năm 1996.

Ở trường Harvard, Lisa làm việc cho tờ báo của trường, Te Crimson và sau đó là một tạp chí văn học, Te Advocate. Sau khi chia tay với bạn trai, cô ra nước ngoài một năm, theo học Đại học King, London. Mối quan hệ của cô với cha vẫn phức tạp trong suốt những năm đại học của cô. Mỗi lần trở về nhà, những cuộc tranh cãi về các vấn đề nhỏ nhặt như chuyện nên ăn món gì trong bữa tối, cô đã biết quan tâm đến mấy đứa em cùng cha khác mẹ hay không – cũng làm mọi chuyện trở nên căng thẳng, và họ có thể không nói chuyện với nhau trong vài tuần, thậm chí vài tháng. Những cuộc tranh cãi đôi khi căng thẳng tới mức Jobs đã có lúc muốn ngừng hỗ trợ tài chính cho cô, và cô phải vay tiền của Andy Hertzfeld và những người khác. Có lúc Hertzfeld đã cho Lisa vay 20.000 đô-la khi cô nghĩ rằng cha mình sẽ không chi trả tiền học cho cô nữa. “Ông ấy nổi điên lên với tôi vì cho con bé vay tiền,” Hertzfeld nhớ lại, “nhưng sáng sớm hôm sau ông ấy gọi lại và yêu cầu kế toán của ông chuyển tiền lại cho tôi ngay.” Jobs cũng không tới dự lễ tốt nghiệp của Lisa vào năm 2000. Ông nói: “Con bé thậm chí còn chẳng thèm mời tôi.”

Tuy vậy, cũng có những khoảng thời gian êm đẹp với cả hai cha con trong suốt những năm đó, có thể kể đến mùa hè khi Lisa trở về nhà và chuẩn bị biểu diễn ở một buổi hòa nhạc gây quỹ cho Hiệp hội Điện tử Không biên giới, một nhóm những người ủng hộ cho sự phát triển của công nghệ. Buổi hòa nhạc diễn ra ở Hội trường Fillmore ở San Francisco, với sự góp mặt của các ban nhạc rock lừng danh như Grateful Dead, Jefferson Airplane và nghệ sĩ ghita Jimi Hendrix. Cô hát khúc tráng ca của Tracy Chapman Talkin’ bout a Revolution (Hãy nói về cách mạng) (“Những kẻ nghèo hèn rồi sẽ vùng lên / Và giành lấy những gì họ xứng đáng được hưởng”) trong khi cha cô đứng hẳn dậy, trên lưng vẫn địu bé Erin, khi ấy mới một tuổi.

Mối quan hệ thăng trầm giữa hai cha con vẫn tiếp tục như vậy ngay cả sau khi Lisa chuyển đến Manhattan và trở thành cây bút tự do. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi Jobs làm Chrisann vỡ mộng về chuyện tiền bạc. Trước đó ông đã mua một căn nhà trị giá 700.000 đô-la cho Chrisann và để Lisa đứng tên, nhưng Chrisann đã thuyết phục con gái ký giấy bán nhà, dùng số tiền đó đi du lịch với một vị đạo sư và sống ở Paris. Đến khi cạn túi, bà trở lại San Francisco và trở thành nghệ sĩ sáng tạo “tranh ánh sáng” và biểu tượng Phật giáo. “Tôi là “Người Kết Nối” và là người có tầm nhìn góp phần tạo ra tương lai của loài người và các thế hệ sau của Trái đất,” bà đã viết như vậy trên trang web của mình (mà Hertzfeld duy trì giúp bà). “Tôi cảm nhận những hình dạng, màu sắc và những tần số âm thanh của sự rung động huyền bí, nhờ đó tôi sáng tạo và sống với những bức họa.” Khi Chrisann cần tiền để phẫu thuật xoang và điều trị nha khoa, Jobs từ chối chi tiền, vì thế mà Lisa không nói chuyện với ông trong vài năm trời. Và các sự vụ kiểu vậy cứ lặp đi lặp lại.

Với Reed, Erin và Eve – những đứa con sau muộn

Khi Powell sinh con đầu lòng, năm 1991, chỉ vài tháng sau đám cưới với Jobs, trong hai tuần đầu, đứa bé được biết đến với cái tên “chàng Jobs con”, bởi vì lựa chọn một cái tên cho em bé hóa ra chỉ ít khó hơn so với lựa chọn một cái máy giặt mà thôi. Cuối cùng họ đặt cho con trai cái tên là Reed Paul Jobs. Tên đệm rõ ràng đặt theo tên của ông nội, còn tên chính thức (mà cả Jobs và Powell đều quả quyết) rằng nó được chọn vì đó là một cái tên đọc lên nghe rất hay, chứ không phải vì nó là tên trường đại học của Jobs.

Reed rất giống cha ở nhiều điểm: Sắc sảo và thông minh, với cặp mắt sâu thẳm và một vẻ duyên dáng mê hoặc. Nhưng không giống như cha mình, cậu có cách ứng xử rất ngọt ngào và có vẻ thanh tao dung dị. Cậu cũng rất sáng tạo – cũng giống những đứa trẻ con khác, cậu thích vận những trang phục hóa trang và chơi trò đóng vai – và sau này trở thành một sinh viên tuyệt vời, ham thích khoa học. Cậu thừa hưởng ở cha mình cái nhìn chằm chằm nhưng cậu rõ ràng rất tình cảm và dường như không có một chút ác nghiệt nào ẩn trú trong con người cậu.

Erin Siena Jobs sinh năm 1995. Cô bé ít nói và đôi khi phải chịu đựng cảm giác không được cha chú ý đến nhiều lắm. Cô có chung niềm đam mê thiết kế và kiến trúc với cha mình, nhưng cô cũng học được cách giữ khoảng cách tình cảm nhất định, để đảm bảo sẽ không bị tổn thương bởi sự xa cách của ông.

Cô bé nhỏ tuổi nhất, Eve, sinh năm 1998, là đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ nhất, bùng nổ và hài hước nhất, cô bé hơi bất cần cũng như không dựa dẫm, biết cách điều khiển cha, biết đàm phán với cha (đôi khi thắng), và thậm chí còn trêu chọc ông. Jobs từng nói đùa rằng một ngày nào đó, nếu cô không trở thành Tổng thống của nước Mỹ, thì cô sẽ là người điều hành Apple.

Jobs có một mối quan hệ bền vững với Reed, nhưng đối với hai cô con gái, ông có vẻ xa cách hơn. Cũng như đối với những người khác, đôi khi ông tập trung vào chúng, nhưng thường thì ông hoàn toàn phớt lờ chúng những lúc đầu óc ông bị những thứ khác chi phối. “Ông ấy tập trung vào công việc, và nhiều lúc, ông ấy như không dành thời gian cho lũ con gái,” Powell nói. Có lúc Jobs bày tỏ sự kinh ngạc với vợ khi thấy lũ trẻ đã được nuôi dạy tốt đến mức nào, “nhất là khi chúng ta không thường xuyên dành thời gian cho chúng.” Câu nói này vừa làm Powell buồn cười, vừa làm cô cảm thấy tủi thân, bởi vì cô đã phải từ bỏ sự nghiệp khi Reed lên hai tuổi và quyết định có thêm những đứa bé khác.

Năm 1995, CEO của Oracle, Larry Ellison tổ chức sinh nhật thứ bốn mươi cho Jobs và mời rất nhiều ngôi sao công nghệ cùng những nhân vật đình đám tới dự. Ellison sau này trở thành bạn thân của gia đình, ông thường đưa cả nhà Jobs đến những dinh thự xa hoa của mình. Reed bắt đầu gọi ông là “người bạn giàu có của chúng ta”, để trêu chọc sự thật là cha cậu đã phải kiềm chế rất nhiều để không phô trương tài sản. Bài học mà Jobs thu nạp được từ những ngày nghiên cứu Phật học là sở hữu của cải vật chất thường chỉ làm cho cuộc sống thêm hỗn mang chứ không thêm giàu có. “Tất cả những vị CEO khác mà tôi biết đều có két sắt cá nhân,” ông nói. “Thậm chí họ còn để chúng trong nhà. Cách sống như vậy thật điên rồ. Chúng tôi chỉ quyết định rằng đó không phải là cách sống mà chúng tôi muốn nuôi dạy bọn trẻ.”

Dựa trên những góc nhìn đa chiều và hết sức chân thực, Walter Isaacson đã sử dụng ngòi bút lôi cuốn của mình để giúp chúng ta thấy được hai mảng màu đối lập trong quan điểm của Jobs đối với tình thân: xen giữa sự nguội lạnh, xa cách và thậm chí là chối bỏ con cái trong những năm tháng mà Jobs dành sự ưu tiên đến mức cực đoan cho công việc, là những khoảng khắc ấm áp, trân quý và bao bọc mà ông dành cho các con. Qua những trích đoạn trên, hẳn bạn đã có được một hình dung tương đối đầy đủ về mối quan hệ thú vị giữa vĩ nhân công nghệ với 4 người con của ông.

Nguồn: Tiểu sử Steve Jobs (tác giả Walter Isaacson, Alphabooks phát hành)

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis