Khi phải làm việc quá sức, bất cứ ai trong chúng ta cũng phải đối mặt với vô số áp lực, cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Song, để vươn tới thành công trong sự nghiệp cũng như đạt được thành tựu trong cuộc sống, ta cần phải đánh bại những áp lực đó.
Muốn làm được như vậy, đầu tiên, bạn phải hiểu rằng thành công không có nghĩa là phải làm việc quá độ. Nếu người khác cố tẩy não để bạn tin vào tư tưởng sai lầm đó, hãy cố gắng tự động viên bản thân bằng những suy nghĩ tích cực. Thứ hai, bạn phải luôn hiểu rõ giá trị của bản thân và tuân theo chúng. Thứ ba, đừng nóng lòng vươn lên dẫn trước, hãy tập trung vào các mục tiêu lâu dài cũng như phát triển kỹ năng của bản thân. Thứ tư, hãy noi theo những tấm gương tích cực – những người thành công mà không cần ép mình vào guồng quay công việc tới mức kiệt sức. Cuối cùng, hãy học cách phớt lờ những yêu cầu vô lý, ngay cả của sếp.
Sự thật là không mấy ai muốn chìm đắm trong công việc mà không ngừng nghỉ. Ngay cả khi đó là nghề nghiệp yêu thích và có ý nghĩa lớn lao, chúng ta vẫn muốn làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc. Việc dành thời gian cho những sở thích và thú vui khác, cho gia đình và bạn bè, cho giải trí và học tập cũng rất quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta.
Tuy nhiên, bạn rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy công việc hoặc ngược lại, lơ là công việc. Để tránh vướng vào những tình huống này, bạn cần có một chiến lược rõ ràng. Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể áp dụng.
Hiểu rằng không cần phải làm việc quá sức mới thành công
Nếu trong tâm tưởng bạn chấp nhận suy nghĩ đó, dù chỉ một chút, bạn sẽ không thể kháng cự lại các yếu tố kích thích. Chẳng hạn, nếu người khác nói với bạn rằng họ phải làm việc quá sức, bạn sẽ bị dao động. Áp lực xã hội này sẽ kích hoạt sự căng thẳng và lo âu trong bạn, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Gần đây, một tác giả chia sẻ với tôi rằng anh đã thực hiện hàng loạt cuộc phỏng vấn trên podcast nhằm hỗ trợ việc ra mắt cuốn sách mới. Chúng còn nhiều hơn cả của tôi, thế là tôi lập tức rơi vào trạng thái căng thẳng. Thậm chí nhiều giờ sau, nhịp tim tôi vẫn tăng cao và tâm trí tôi không khỏi nghĩ mãi về điều đó.
Để tránh bị cám dỗ rằng phải bắt kịp những người làm việc quá sức như tác giả đó, bạn phải phủ định triệt để ý kiến cho rằng như thế là cần thiết hay có lợi. Trong trường hợp của tôi, tôi thực sự đã cố gắng thuyết phục bản thân rằng, “Anh ấy cho rằng làm việc nhiều mới có thể thành công. Mình thì không.”
Trong trường hợp bạn vẫn bị kích động, hãy cố gắng trấn an bản thân một cách nhẹ nhàng hơn. Ví dụ: “Mình cảm thấy lo lắng, nếu mình không làm theo họ, mình sẽ thất bại. Mình rất muốn có được thành công, thế nên mình sợ hãi. Nhưng mình sẽ nhắc nhở bản thân để có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất mà không cần làm việc quá sức.”
Hiểu rõ giá trị của bản thân
Trở lại với anh bạn tác giả kia, khi chia sẻ về việc thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn như vậy, tôi có thể nhìn ra tâm trạng của anh. Anh không nói với giọng điệu của một người thỏa mãn vì những điều mình đã làm được, như kiểu “tôi đã có cơ hội kết nối với rất nhiều người, thật thú vị và tuyệt vời” mà giống như “tôi đang cố gắng đây, thật mệt mỏi khi phải làm chuyện này”.
Cá nhân tôi không bao giờ muốn có cảm giác đó khi phỏng vấn. Tôi muốn tiếp cận bằng trí tò mò, mong muốn học hỏi thông qua những người phỏng vấn để nảy ra những ý tưởng mới hoặc thể hiện suy nghĩ của riêng mình theo những cách mà tôi chưa từng làm trước đây.
Ngoài ra, tôi cũng coi trọng tính hiệu quả. Tôi hoàn có thể cố gắng trở thành khách mời trên 100 podcast. Nhưng nếu xác định 20 người có khả năng thúc đẩy doanh số bán sách, cùng với 5 đến 10 người thú vị, để giới thiệu ngẫu nhiên và tình cờ vào quá trình này thì mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều.
Điều quan trọng là bạn cần xác định giá trị của bản thân. Chúng ta giống nhau ở việc xác định những giá trị nào được coi là tốt, chẳng hạn như bình đẳng, công bằng, hiệu quả, rộng lượng, dũng cảm, tự chủ, hợp tác, dám thử thách và không ngại phiêu lưu. Tuy nhiên, chúng ta khác nhau ở việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các giá trị đó, cũng như những gì khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống và sự nghiệp của mình có ý nghĩa và đang đi đúng hướng. Chẳng hạn, nếu bạn coi trọng lòng dũng cảm, hãy tiếp cận các nhiệm vụ cốt lõi của mình với tinh thần sẵn sàng. Ngoài việc nghĩ về những gì bạn muốn làm, bạn cũng cần nhìn nhận thái độ cũng như cách tiếp cận các vấn đề để đạt được sự thỏa mãn trong công việc.
Ngoài ra, bạn cũng cần tin tưởng rằng cách tiếp cận theo định hướng giá trị này sẽ mang lại những kết quả quan trọng. Với kinh nghiệm và thử nghiệm, bạn sẽ học được cách làm “đủ” trong công việc hay sự nghiệp, thay vì đo lường thành tích bằng số giờ làm việc.
Loại bỏ văn hóa vội vàng
Ngay cả thiên tài Einstein cũng không cố chìm đắm trong công việc. Trên thực tế, những hành vi và ngôn ngữ gắn liền với văn hóa vội vàng thường không mang lại kết quả có giá trị. Việc theo đuổi các mục tiêu lâu dài hơn, cá nhân hơn, chẳng hạn như biết và hiểu rõ các hiện tượng quan trọng, giải quyết các vấn đề phức tạp hoặc mang lại ảnh hưởng tích cực trong xã hội sẽ đem tới những thành tựu lớn lao hơn. Tất nhiên, bạn có thể nghĩ về những mong muốn cụ thể (ví dụ: doanh số bán hàng) nhưng cũng đừng quên tham vọng và mục tiêu quan trọng nhất, hãy cố gắng tập trung vào những nhiệm vụ và công việc giúp bạn đạt được khát vọng đó.
Một cách khác để thoát khỏi văn hóa hối hả cho dù bạn là giáo viên, kế toán hay quản lý – là coi công việc như một nghề mà bạn cần học hỏi và trau dồi. Điều này sẽ giúp bạn quan tâm hơn đến các khía cạnh của công việc như rèn luyện kỹ năng, tiếp nhận phản hồi và tương tác với nhiều người hơn – những người có thể giúp bạn tiến bộ. Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy bạn, không phải nhiều hơn, mà là công việc quan trọng hơn cho phép bạn thực hiện tốt các mục tiêu lớn của mình.
Học hỏi từ những người đi trước
Hãy coi những người thành công mà không cần làm việc quá sức hoặc những người thành công nhưng liên tục than vãn họ “sa lầy” và “kiệt sức” vì công việc giống như một huy hiệu vinh danh. (Kiểu phàn nàn này giờ đây đã được bình thường hóa, nhưng nó không bình thường chút nào. Nếu ai đó thực sự kiệt sức vì công việc thì đó là một vấn đề lớn cần giải quyết.)
Cụ thể, tôi không nói tới kiểu hình mẫu là những người nổi tiếng hay CEO bạn ngưỡng mộ mà không thực sự quen biết ngoài đời. Một phương pháp hiệu quả hơn giúp bạn tìm kiếm hình mẫu lý tưởng là chỉ cần nhìn vào vòng tròn công việc hay lĩnh vực của bạn, từ bên trong tới bên ngoài.. Ai là người truyền cảm hứng cho bạn, một người thành công mà không làm việc quá sức, vội vàng hay hủy hoại bản thân? Phương pháp của họ là gì? Bạn có thể điều chỉnh những gì để phù hợp với giá trị, mục tiêu, tính cách và hoàn cảnh của chính mình?
Từ chối yêu cầu làm việc quá sức
Đây là một quy luật tâm lý học rất cơ bản: Khi các hành vi được củng cố, chúng sẽ có xu hướng tăng lên. Khi bạn phớt lờ chúng, bạn có thể thấy một “bùng nổ dập tắt” – sự gia tăng các hành vi có vấn đề trong thời gian ngắn – nhưng sau đó chúng sẽ dừng lại.
Ví dụ: khi một đồng nghiệp gửi email cho bạn sau giờ làm việc, nếu bạn trả lời tức là bạn đang chấp nhận tăng ca buổi tối. Vì thế, người gửi sẽ yêu cầu nhiều hơn – từ bạn cũng như người khác. Thay vào đó, nếu bạn phớt lờ những yêu cầu làm việc thêm giờ, ban đầu, người đó có thể sẽ điên cuồng tìm cách khiến bạn tuân thủ, nhưng chuyện này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, sau đó họ sẽ thích nghi với việc phớt lờ của bạn.
Nếu sếp của bạn là người thúc ép bạn làm việc quá sức, đó là một trong những dấu hiệu cơ bản nhất của văn hóa làm việc lạm dụng. Hãy vạch rõ ranh giới của bạn, nếu các hành vi đó vẫn tiếp tục, bạn nên cân nhắc chuyển sang đội nhóm hoặc tổ chức khác với những người quản lý có kỳ vọng thực tế hơn. Như Adam Grant nói, “Việc của bạn không phải là sửa chữa một môi trường làm việc độc hại từ dưới lên”.
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với áp lực bên trong và bên ngoài để vươn xa hơn nữa. Tuy nhiên, trong quá trình theo đuổi sự thành công và thỏa mãn trong sự nghiệp, làm việc quá sức là kẻ thù của bạn chứ không phải bạn của bạn.
Nguồn: HBR
Bài viết liên quan