Khi kỳ nghỉ không thực sự là “kỳ nghỉ”

Không phải kỳ nghỉ nào cũng giúp chúng ta phục hồi hoặc tiếp thêm động lực như kỳ vọng. Bản thân kỳ nghỉ có thể là nguồn gây căng thẳng vì nhiều lý do, từ các mối quan hệ, áp lực phải hoàn thành công việc,…

Các kỳ nghỉ sinh ra để giúp chúng ta thư giãn. Khoảng thời gian nghỉ ngơi không chỉ giúp chúng ta phục hồi tâm trí, cơ thể và tâm hồn mà còn có tác động tích cực đến đời sống công việc. Một nghiên cứu cho thấy những nhân viên có 11 ngày nghỉ trở lên có nhiều khả năng được tăng lương hoặc thưởng hơn.

Tuy nhiên, không phải kỳ nghỉ nào cũng giúp chúng ta phục hồi hoặc tiếp thêm động lực như kỳ vọng. Căng thẳng trong công việc mãn tính có thể cản trở kế hoạch của chúng ta. Thậm chí, còn có một tên gọi dành riêng cho hiện tượng chán nản ngay khi bắt đầu kỳ nghỉ: phát ốm khi rảnh rỗi.

Ngay cả khi tự điều chỉnh nhịp độ, kỳ nghỉ không phải lúc nào cũng diễn ra như kế hoạch. Bản thân kỳ nghỉ có thể là nguồn gây căng thẳng vì nhiều lý do, từ các mối quan hệ, áp lực phải hoàn thành công việc, và khối lượng công việc cần làm khi quay trở lại làm việc.

Vậy bạn có thể làm gì nếu quay lại làm việc với tình trạng kiệt sức – đặc biệt là khi mọi người cho rằng bạn đã nghỉ ngơi đầy đủ và háo hức đi làm nhưng bạn vẫn cảm thấy kiệt sức (hoặc hơn) so với trước đây? Dưới đây là năm bước bạn có thể thực hiện để làm mới bản thân khi quay trở lại làm việc.

Kiểm tra sức khỏe và năng lượng của bản thân

Trừ khi đang tham gia một khóa rèn luyện sức khỏe, bạn rất dễ rời xa các thói quen lành mạnh của mình, bỏ qua các hoạt động thể chất hoặc thấy bản thân bị cuốn vào một lịch trình dày đặc.

Khi quay lại làm việc, hãy đánh giá và nhìn nhận mức năng lượng và cảm xúc của bạn để xác định xem bạn cần gì. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tối ưu hóa năng lượng trong các khía cạnh sau có thể giúp tăng cường sức khỏe và hiệu suất: giấc ngủ, vận động, kết nối, thời gian hoạt động ngoài trời, thư giãn và làm những việc có ý nghĩa.

Hãy bắt đầu bằng cách đánh giá bản thân theo thang điểm từ 1-10 về mức năng lượng hiện tại của bạn trong từng khía cạnh trên. Sau đó, xác định vị trí bạn muốn ở mỗi khía cạnh và một hành động bạn có thể thực hiện để củng cố hoặc cải thiện từng yếu tố này. Hãy theo dõi và đánh giá mức năng lượng thay đổi như thế nào khi bạn tái thực hiện các thói quen lành mạnh hơn.

Dễ dàng quay lại làm việc

Quay lại làm việc sau kỳ nghỉ có thể là một trải nghiệm đầy thử thách khi bạn cảm thấy choáng ngợp hoặc căng thẳng khi phải xử lý các e-mail và tin nhắn chồng chất trong khi lẽ ra bạn phải thư giãn và tận hưởng thời gian nghỉ ngơi.

Hãy chống lại sự cám dỗ lao đầu vào công việc bằng cách xây dựng một ngày chuyển tiếp và phục hồi trước khi trở lại bình thường. Bạn thậm chí có thể xem xét việc soạn thảo một phản hồi tự động hoặc gia hạn thêm một hoặc hai ngày.

Trước khi bắt đầu làm việc cả một ngày dài, hãy đặt ra một số mốc thời gian để bạn có thể có một khởi đầu tốt đẹp. Bạn có thể bắt đầu với những nhiệm vụ cần thiết và gấp gáp, đồng thời tạo cho mình một khoảng thời gian đệm để cập nhật e-mail và những thay đổi. Hãy dành thời gian cho các hoạt động mang lại năng lượng cho bạn.

Suy nghĩ về những mặt tích cực, điều chỉnh và học hỏi từ những tiêu cực

Bạn rất dễ bị choáng ngợp hoặc thất vọng trước những điều không diễn ra như bạn mong đợi – nhưng có thể sẽ có một số kỷ niệm tích cực để bạn lưu giữ. Hãy dành chút thời gian để suy ngẫm và tận hưởng những trải nghiệm đó cũng như những bài học và kinh nghiệm thu được. Ghi lại chúng để bạn có thể chia sẻ với các thành viên trong đội nhóm của mình và củng cố những lợi ích trong thời gian bạn nghỉ. Nếu chuyến đi khiến bạn cảm thấy chán nản, có thể bạn sẽ tìm thấy niềm an ủi khi trở lại làm việc.

Sử dụng hiệu ứng khởi đầu mới để thiết lập những thói quen và lịch trình mới

Hiệu ứng khởi đầu mới là hiện tượng gia tăng thành công trong việc thay đổi hành vi gắn liền với những khởi đầu mới, chẳng hạn như sinh nhật, năm mới và các cột mốc quan trọng khác. Bạn có thể khai thác hiệu ứng này bằng cách sử dụng việc quay lại làm việc như một cơ hội để tái thiết lập.

Trở về sau kỳ nghỉ là thời điểm tốt để thiết lập các phương pháp mới giúp nâng cao hơn nữa năng lượng và năng suất, như tập thể dục, tắt thông báo, ngăn chặn sự phân tâm hoặc viết nhật ký mỗi tối. Hãy tìm kiếm những thói quen giúp bạn bổ sung năng lượng trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể tận dụng các phương pháp thực hành để tối ưu hóa năng lượng cho những việc quan trọng.

Bạn có thể muốn cố gắng bù đắp nhưng đừng để sự hối hận thúc đẩy hành động của mình. Thay vào đó, hãy nghĩ về những thói quen sẽ phù hợp với bối cảnh cuộc sống hằng ngày của bạn để những thói quen của bạn có thể bền vững. Xác định những gì bạn cần làm hôm nay để trở lại đúng hướng, loại bỏ sự hối hận ra khỏi phương trình và làm những gì bạn cần để tạo động lực tiến về phía trước.

Xác định rõ những gì bạn cần cho thời gian nghỉ trong tương lai

Hãy tận dụng trải nghiệm này như một cơ hội học hỏi để đặt nền móng cho một kỳ nghỉ đáng giá hơn trong tương lai. Bạn muốn dành thời gian với ai và bạn muốn đi du lịch bao xa? Bạn cần giao tiếp với đội nhóm để đáp ứng nhu cầu kết nối và sức khỏe của riêng bạn như thế nào?

Ngay cả một kỳ nghỉ vui vẻ đôi khi cũng có thể khiến bạn mệt mỏi. Nếu không quản lý đúng thời gian và năng lượng khi trở về, tình trạng kiệt sức có thể tác động đến sức khỏe, công việc, các mối quan hệ và hiệu suất của bạn. Nếu kỳ nghỉ không diễn ra như mong đợi, hãy lấy nó làm động lực để đảm bảo rằng bạn xây dựng các phương pháp tiết kiệm năng lượng, bền vững trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Nguồn: HBR

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis