Trong thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt ngày nay, kiến thức chuyên môn không còn là yếu tố quyết định việc bạn sẽ có được một công việc tốt hay sự thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp.
Thay vào đó, những kỹ năng mềm cần thiết cho sự phát triển của cả cá nhân lẫn doanh nghiệp mới là chìa khóa dẫn bạn đến thành công. Dưới đây là 10 kỹ năng mà các startup trẻ thời 4.0 và mọi nhà quản lý, startup cần cập nhật để cân bằng cuộc sống, phát triển bản thân toàn vẹn hơn.
1. Quản lý thời gian
Một suy nghĩ thường thấy ở người thành công đó là họ coi thời gian như một thứ hàng hóa vô cùng quý giá và cần thiết, tương đương với giá trị của tiền bạc. Chính vì vậy, quản lý thời gian là một việc làm cần thiết nếu như bạn muốn hoàn thành công việc theo một thứ tự và thời gian nhất định. Như vậy, không những bạn có thể tránh khỏi sự lãng phí mà thậm chí bạn còn có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình, bạn bè và chính bản thân mình.
2. Giải quyết vấn đề phức tạp
Công nghệ phát triển nhanh chóng, khiến cho các công việc đơn giản ngày một được tự động hoá nhiều. Để được săn đón trong thị trường lao động, người trẻ cần có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp. Đó là khả năng tìm ra được lời giải thuyết phục cho các vấn đề thực tế đòi hỏi tư duy mới mẻ, sáng tạo mà máy móc không thể xử lý được. Ví dụ như lên chiến lược cho nhiều năm tới của công ty, phát triển sản phẩm mới, đề xuất chiến dịch truyền thông sáng tạo…
3. Thuyết trình hiệu quả
Kỹ năng thuyết trình có thể hiểu là khả năng diễn đạt một thông điệp với những lý lẽ và lập luận chặt chẽ để thuyết phục và tương tác với người nghe bằng cách thu thập và giải đáp các câu hỏi phản biện. Hơn nữa, kỹ năng thuyết trình quan trọng trong việc thuyết phục khách hàng và thể hiện các mục tiêu, sứ mệnh của doanh nghiệp.
Ứng viên sở hữu kỹ năng giao tiếp, thuyết trình hoàn hảo sẽ luôn được đánh giá cao trong các cuộc phỏng vấn tuyển nhân tài cho doanh nghiệp. Bởi trong môi trường làm việc công sở, bạn khó tránh khỏi việc thuyết trình trước đồng nghiệp công ty trong các buổi họp nên kỹ năng thuyết trình tốt sẽ giúp bạn có được sự tự tin trong bất cứ tình huống nào.
4. Ủy thác công việc
Phân công công việc là một trong những nhiệm vụ thiết yếu của quản lý. Số lượng nhân viên thì nhiều nên quản lý cần biết giao việc, giám sát và đánh giá nhân viên một cách hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy sự minh bạch trong vai trò và trách nhiệm sẽ có ảnh hưởng đến sự hài lòng, gắn kết và hiệu suất làm việc của nhân viên trong các công ty. Ngoài ra, sự phân chia công việc rõ ràng sẽ khiến cho nhân viên không bị mất động lực làm việc cũng như tâm lý căng thẳng.
5. Đưa ra phản hồi hiệu quả
Mục đích cuối cùng của phản hồi là hỗ trợ hướng tới sự thay đổi tích cực, sự tiến bộ. Phản hồi hiệu quả không mang lại cảm xúc tiêu cực mà ngược lại phản hồi tích cực tạo ra sự hân hoan, gắn kết, tin tưởng và tinh thần cầu tiến. Khi thực hiện phản hồi một cách đúng, thông tin phản hồi là con đường dẫn tới hiệu suất cao. Nhân viên phải biết những gì họ đang làm tốt và không tốt. Họ phải thực sự hiểu được suy nghĩ và đề xuất của bạn đúng cách để cải thiện, vì vậy, thông tin phản hồi cần được chuyển giao một cách cẩn thận và thường xuyên.
6. Hội họp hiệu quả
Trong một doanh nghiệp hay công ty, việc họp giữa các phòng hay các bộ phận hay cả công ty là một việc khá thường xuyên. Trong cuộc họp, họ cùng nhau trao đổi hay bàn bạc, thảo luận, hay cùng nhau giải quyết một vấn đề nào đó, và tìm ra các biện pháp khắc phục lỗi để giải quyết công việc. Bạn cần có những hiểu biết cơ bản về cách thức tổ chức cuộc họp và các kỹ năng nhất định để tận dụng tối đa thời gian và nâng cao hiệu quả của cuộc họp.
Ngoài ra, những cuộc họp là nơi mà bầu không khí và văn hoá của tổ chức được duy trì, là một trong những cách thức để các tổ chức nói với đội ngũ nhân viên của mình rằng: “Bạn là một thành viên của tập thể”. Nếu bạn tổ chức những cuộc họp buồn tẻ, yếu kém mà lại kéo dài lê thê, thì các nhân viên sẽ bắt đầu tin rằng mình đang làm việc cho một công ty tẻ nhạt, kém cỏi và không biết quý trọng thời gian.
7. Phân tích tài chính
Phân tích tài chính doanh nghiệp là tổng thể các phương pháp sử dụng để đánh giá tình hình tài chính đã qua và hiện nay, giúp cho nhà quản lý đưa ra được những quyết định quản lý chuẩn xác và đánh giá được các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó giúp cho những đối tượng quan tâm đi tới những dự đoán chính xác về mặt tài chính cho doanh nghiệp, qua đó có các quyết định phù hợp với lợi ích kinh tế của chính họ. Phân tích tài chính đối với nhà quản lý doanh nghiệp nhằm đáp ứng những mục tiêu: Tạo ra chu kỳ đều đặn để đánh giá hoạt động quản lý trong giai đoạn đã qua, việc thực hiện cân bằng tài chính, khả năng sinh lời, khả năng thanh toán và rủi ro trong doanh nghiệp…
8. Lập kế hoạch kinh doanh
Trong mọi công việc, việc lập kế hoạch có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi kế hoạch vừa là ‘kim chỉ nam’ vừa là thước đo để hướng dẫn đường đi, nước bước nhằm hoàn tất một công việc nào đó. Thay vì đặt mình vào tình thế có thể phải dừng lại hỏi đường hoặc thậm chí quay lại và xuất phát lại từ đầu, các nhà quản lý thường lập kế hoạch kinh doanh nhằm xác định rõ định hướng. Đây là một kỹ năng cực kỳ cần thiết mà mỗi startup cần trang bị trong hành trình khởi nghiệp.
9. Quản lý dự án
Quản lý dự án là công việc yêu cầu người làm phải biết cách lập kế hoạch, quản lý, giám sát quá trình phát triển của dự án để đảm bảo cho dự án hoàn thành đúng thời gian với chất lượng tốt và đạt được mục tiêu đã đề ra trong phạm vi ngân sách mà dự án cho phép. Ngoài việc mang lại thành công, quản lý dự án còn cải tiến quan hệ giữa người thực hiện dự án với khách hàng, rút ngắn thời gian triển khai, giảm chi phí, tăng chất lượng và độ tin cậy, cải tiến năng suất lao động, phối hợp nội bộ tốt hơn, nâng cao tinh thần làm việc.
10. Quản lý mối quan hệ với sếp
Mối quan hệ giữa bạn với sếp có thể là tác nhân đầu tiên góp phần làm cho công việc của bạn trở nên dễ chịu hay bị áp lực. Sếp chính là người quyết định mức lương, cấp bậc, chức vụ của bạn và có thể còn đóng một vai trò quan trọng trong trạng thái tinh thần của bạn.
Sai lầm trong tư duy quản lý truyền thống là chỉ có cấp trên mới quản lý cấp dưới. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quản lý thành công đều là những người trao quyền và tạo điều kiện tốt nhất cho cấp dưới có thể quản lý được sếp của mình tạo nên một sự thấu hiểu giữa hai bên. Đồng thời, đi kèm với việc trao quyền này là một loạt các trách nhiệm mà bạn phải đảm nhận. Những trách nhiệm này đòi hỏi bạn phải có khả năng quản lý sếp và đáp ứng sự mong chờ của ông ta. Điều này trở nên hết sức quan trọng để tạo ra một không khí làm việc lành mạnh, có động lực.
Để nắm vững được những kỹ năng trên và tiến gần hơn đến thành công trong cả sự nghiệp và cuộc sống, bạn cần có những hiểu biết căn bản về từng kỹ năng và rèn luyện chúng mỗi ngày.
Nguồn: Bộ sách HBR – 20 Minutes Manager, Alpha Books 2021
Bài viết liên quan