Dành tới 8 tiếng một ngày ở công ty, đương nhiên bạn không muốn “đụng độ” với sếp thường xuyên. Muốn quản lý tốt mối quan hệ này, hãy phân tích để biết họ thuộc tuýp người nào.
Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi phát hiện ra rằng các nhà lãnh đạo thường có một kiểu quyết định mặc định thuộc một trong năm nhóm sau: Người lôi cuốn, Người tư duy, Người hoài nghi, Người theo gót và Người kiểm soát.
Chúng tôi đã tiến hành một số phân tích về những dữ liệu trên và phát hiện hành vi của các nhà lãnh đạo rơi vào một trong năm nhóm được mô tả dưới đây. Độ chính xác của kết quả khảo sát được ghi nhận trong bài viết này, chẳng hạn con số 25% các nhà lãnh đạo được phỏng vấn là Người lôi cuốn, có sai số 2,9%. Trong nhiều ví dụ được trích dẫn về các CEO điển hình, việc phân loại dựa trên quan sát và kinh nghiệm thực tiễn của chúng tôi với các nhà lãnh đạo này; những mục phân loại khác dựa trên các nguồn thứ cấp, bao gồm báo cáo truyền thông.
Người lôi cuốn
Những Người lôi cuốn rất dễ bị hấp dẫn bởi các ý tưởng mới. Họ có thể lập tức tiếp thu một lượng lớn thông tin và có khuynh hướng nhìn nhận thế giới xung quanh qua vẻ bề ngoài.
Người lôi cuốn thường được mô tả là nhiệt tình, cuốn hút, vui chuyện, thích chi phối và kiên trì. Họ muốn tìm kiếm rủi ro nhưng cũng đầy trách nhiệm. Họ gây ấn tượng bởi trí thông minh, thông tin thực tế và thường không có xu hướng áp đặt. Các ví dụ tiêu biểu về Người lôi cuốn bao gồm Richard Branson, Lee Iacocca, Herb Kelleher và Oprah Winfrey. (Lưu ý rằng nhiều kiểu nhà lãnh đạo mà chúng tôi trích dẫn trong bài viết này đều dựa trên quan sát và kinh nghiệm trực tiếp của chúng tôi với họ. Một số khác dựa trên nguồn thứ yếu, bao gồm báo cáo truyền thông.)
Tuy Người lôi cuốn có thể biểu lộ sự hồ hởi lớn đối với một ý tưởng mới, bạn khó lòng có được cam kết cuối cùng từ họ. Họ hiếm khi tin vào những lập luận phiến diện, thiếu định hướng mạnh mẽ dẫn đến kết quả. Cuối cùng, Người lôi cuốn ra quyết định chung cuộc rất có phương pháp, và những quyết định đó đều dựa trên thông tin cân bằng.
Người tư duy
Người tư duy là những người ra quyết định khó nắm bắt nhất, do đó là đối tượng khó thuyết phục nhất.
Họ thường được mô tả là duy lý, thông minh, logic và hàn lâm. Họ ấn tượng với những lập luận mang tính định lượng, có dữ liệu bổ trợ. Không thiên về kỹ năng xã hội, Người tư duy có khuynh hướng bảo vệ cảm xúc của mình. Họ có hai khao khát bản năng mạnh mẽ trong kinh doanh là lường trước thay đổi và chiến thắng, do đó thường hãnh diện về bản thân vì khả năng tư duy sâu sắc, hướng lái cạnh tranh giỏi hơn. Họ được thúc đẩy bởi nhu cầu duy trì sự kiểm soát hơn là nhu cầu đổi mới. Một số Người tư duy tiêu biểu bao gồm: Michael Dell, Bill Gates, Katharine Graham và Alan Greenspan.
Người tư duy rất trông đợi ở dữ liệu so sánh, do đó rất khó thuyết phục họ. Để ra quyết định, họ cần nhiều thông tin nhất có thể, bao gồm nghiên cứu thị trường thích hợp, khảo sát khách hàng, nghiên cứu trường hợp điển hình, phân tích hiệu quả chi phí… Nội dung thông tin quan trọng nhất mà Người tư duy cần là phương pháp dẫn dắt của người trình bày khi đi từ điểm A đến điểm B. Họ cố gắng hiểu rõ mọi khía cạnh của một tình huống nhất định. Và không như Người lôi cuốn, Người tư duy rất ghét rủi ro.
Người hoài nghi
Người hoài nghi là người nghi ngờ tất cả mọi thứ, nhất là những thông tin nằm ngoài thế giới quan của họ.
Có lẽ điểm đặc trưng nhất của Người hoài nghi là họ thường có cá tính rất mạnh. Họ có thể hay đòi hỏi, phá ngang, bất đồng, nổi loạn, thậm chí khó gần. Họ có thể có phong cách hiếu chiến, hay gây hấn và thường được mô tả là những người thích chi phối. Họ thường chỉ biết đến mình và hành động chủ yếu theo cảm xúc. Những ví dụ tiêu biểu bao gồm Steve Case, Larry Ellison và Tom Siebel.
Trong khi bạn trình bày, Người hoài nghi có thể đứng dậy và đi ra chỗ khác một lúc, nghe điện thoại hay thậm chí nói chuyện riêng trong một khoảng thời gian dài. Họ sẽ đòi hỏi cả thời gian lẫn năng lượng của bạn, tranh cãi với bạn mỗi khi có cơ hội. Người tư duy thường đặt ra một loạt câu chất vấn không mang tính cá nhân nhưng với Người hoài nghi họ thì có. Đừng để chúng ảnh hưởng đến bạn, hãy bình tĩnh đi hết phần trình bày một cách hợp lý. Điều tích cực nằm ở chỗ bạn gần như sẽ biết ngay rằng mình đang đứng trước một Người hoài nghi, họ sẽ cho bạn biết họ đang nghĩ gì thông qua cá tính mạnh của họ.
Người theo gót
Người theo gót ra quyết định dựa trên cách họ đưa ra những lựa chọn tương tự trong quá khứ, hoặc tùy thuộc các lãnh đạo họ tin tưởng quyết định như thế nào.
Vì sợ lựa chọn sai lầm, Người theo gót hiếm khi hành động sớm. Thay vào đó, họ tin vào những tên tuổi hoặc thỏa thuận mà nhiều người biết đến, vì cả hai đều đại diện cho rủi ro thấp. Họ rất giỏi nhìn thế giới qua con mắt của người khác. Điều thú vị là bất chấp sự thận trọng cố hữu, Người theo gót nhiều lúc có thể thoát ra khỏi khuôn khổ. Song xét cho cùng, họ là những người ra quyết định đầy trách nhiệm, và đó là lý do họ thường hiện diện trong những tập đoàn lớn.
Trên thực tế, Người theo gót chiếm trên 1/3 tổng số nhà lãnh đạo chúng tôi khảo sát, đại diện cho nhóm đông đảo nhất trong năm loại hình ra quyết định. Các ví dụ tiêu biểu bao gồm Peter Coors, Douglas Daft và Carly Fiorina.
Người theo gót có thể kéo bạn vào một danh sách các vấn đề dài dằng dặc và liên tục chất vấn luận điểm của bạn như cách của Người hoài nghi, nhưng đừng mắc lừa. Sau cùng, họ chỉ đồng tình với một điều nếu từng chứng kiến nó được thực hiện thành công ở đâu đó. Tuy nhiên Người theo gót sẽ không thừa nhận điều đó, thậm chí hiếm khi tự nhận mình là Người theo gót, mà muốn bạn tin rằng họ thích đổi mới và có suy nghĩ cầu tiến. Người theo gót thường bị nhầm với Người hoài nghi, nhưng Người theo gót không hay đa nghi mà chỉ muốn bạn giúp họ nắm vững hơn điều họ không hiểu. Tuy Người theo gót có thể bộc lộ tính cách chi phối nhưng họ sẽ nhượng bộ nếu bị thách thức.
Người kiểm soát
Người kiểm soát ghét cay ghét đắng sự thiếu chắc chắn và mơ hồ; và họ cũng sẽ tập trung vào các sự kiện và thông số phân tích thuần túy của lập luận. Nỗi lo lắng, bất an của bản thân vừa ràng buộc, vừa thúc đẩy họ.
Họ thường được mô tả là logic, lãnh đạm, hiểu biết, xem trọng chi tiết, chính xác, có óc phân tích và khách quan. Giống như Người hoài nghi, Người kiểm soát thường có cá tính mạnh, thậm chí có thể độc đoán. Trong suy nghĩ của bản thân, họ là những người bán hàng giỏi nhất, chuyên gia marketing giỏi nhất và chiến lược gia giỏi nhất…
Trong khi Người theo gót giỏi đặt họ vào vị trí của người khác, Người kiểm soát chỉ xem xét mọi thứ từ quan điểm của mình và thường có những phán xét bất thần, hay những nhận định khiến người khác khó chịu. Người kiểm soát có thể cô độc và chỉ biết đến mình, vốn là những đặc điểm khiến họ ra quyết định đơn phương. Trên thực tế, tuy Người kiểm soát có thể trao đổi với người khác về quyết định của họ nhưng họ hiếm khi thật lòng lắng nghe hoặc cân nhắc đóng góp của đối phương. Các ví dụ tiêu biểu bao gồm Jacques Nasser, Ross Perot và Martha Stewart.
Cách phân loại của chúng tôi có thể bị phê phán là xúc phạm. Xét cho cùng, chẳng ai muốn bị phân loại là Người theo gót hay Người kiểm soát. Chúng tôi không có ý nói rằng một hình thức ra quyết định nào đó vượt trội hơn hình thức khác; năm cách gọi tên chỉ là cách chúng tôi mô tả ngắn gọn hành vi chủ đạo của mỗi nhóm. Trên thực tế, mỗi kiểu ra quyết định có thể cực kỳ hiệu quả trong những môi trường nhất định.
Nguồn: Nghiên cứu của Gary A. Williams và Robert B. Miller trong cuốn HBR Onpoint Truyền Thông Giao Tiếp
Bài viết liên quan