Một công việc mới luôn đi kèm những thử thách không ngờ tới. Phải làm sao khi bạn và sếp không hợp nhau? Hãy bình tĩnh xem xét vấn đề. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới mối quan hệ căng thẳng giữa sếp và nhân viên, đồng thời đưa ra lời khuyên nhằm cải thiện tình hình.
Thật hạnh phúc khi bắt đầu một công việc mới và hòa hợp với sếp mới. Nhưng nếu ngược lại thì sao? Sau một vài tháng đảm nhận vị trí mới, bạn nhận ra rằng bạn và sếp không hợp nhau cho lắm. Vậy bạn nên làm gì?
Hãy bình tĩnh xem xét vấn đề. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến mối quan hệ của bạn và sếp trở nên căng thẳng, cũng như một vài gợi ý giúp bạn xoa dịu tình hình.
Bạn là người tận tâm
Một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho bạn đến từ chính sự tận tâm – thứ tạo động lực thúc đẩy bạn hoàn thành công việc và tuân thủ quy định tại công ty. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy sếp đang đẩy quá nhiều việc cho mình. Là một người tận tâm, bạn luôn cố gắng chăm chút từng li từng tí đối với mỗi nhiệm vụ. Và thế là, bạn tốn quá nhiều thời gian vào từng công việc sếp giao.
Bạn cần phải hiểu được mong muốn và mức độ yêu cầu đối với mỗi phần việc sếp phân phó. Như vậy, bạn sẽ biết cách phân bổ sự tập trung và nỗ lực cần thiết cho từng nhiệm vụ, cũng như có khả năng xử lý một loạt các đầu việc khác nhau.
Bạn là một người làm hài lòng người khác
Một nguyên nhân khác dẫn tới sự không hòa hợp giữa bạn và sếp nằm ở tính dễ chịu – yếu tố phản ánh mức độ hòa đồng với người khác. Nếu sếp bạn không phải là người dễ tính, không phải lúc nào họ cũng cho bạn những phản hồi khiến bạn cảm thấy được chào đón tại nơi làm việc. Vì thế, bạn sẽ lo lắng sếp không thích mình.
Hãy chú ý đến cách sếp bạn đối xử với mọi người. Nếu cấp trên không phải là một người quá thân thiện thì bạn nên tập trung vào những đánh giá về năng lực làm việc của bản thân hơn là vào tương tác cá nhân.
Khác biệt trong cách đón nhận những cơ hội mới
Đặc điểm thứ ba khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng có thể xuất phát từ tinh thần sẵn sàng trải nghiệm, tức là thái độ của bạn đối với những điều mới mẻ. Những người cởi mở luôn có động lực để khám phá và đón nhận những cơ hội mới, trong khi những người khép kín lại tìm lý do để trốn tránh chúng.
Khi bạn và sếp không có cùng mức độ cởi mở sẽ dễ dẫn đến tình trạng một người cố thúc đẩy người còn lại suy nghĩ về mọi thứ theo cách mới, trong khi người đó lại kháng cự sự thôi thúc này. Khi sếp không phải là người luôn sẵn sàng cho những thử thách, bạn nên thông báo cho sếp về những cơ hội mới trước khi đưa ra quyết định, điều này sẽ giúp sếp của bạn cảm thấy thoải mái trước khi đánh giá những thách thức mới đó.
Sếp không giúp bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên
Giữa những gì bạn nghĩ bạn nên làm và những gì sếp của bạn nghĩ rằng bạn nên làm không có sự tương thích thì bạn sẽ dễ nhận lại những phản hồi tiêu cực về hiệu suất làm việc, dù bạn đã rất cố gắng. Bởi vì dưới góc độ của sếp, bạn đang làm những việc không cần thiết.
Trong trường hợp này, hãy lập một danh sách việc cần làm trong báo cáo để cả hai có thể cùng nhau xem xét và xác định nhiệm vụ nào là quan trọng nhất (và nhiệm vụ nào bạn cần nỗ lực nhiều nhất).
Sếp không tuân thủ chiến lược
Phải làm gì khi sếp luôn nhắc nhở về những việc cần ưu tiên nhưng những việc đó lại thay đổi xoành xoạch mỗi ngày? Bạn sẽ phải trải qua tình huống này nếu sếp của bạn không phải là người có tư duy chiến lược và dễ phản ứng với các vấn đề khác nhau trong ngày. Việc này chẳng khác gì ở trên một chiếc tàu lượn siêu tốc khó điều khiển, vì bạn không bao giờ chắc chắn hôm nay mình sẽ làm gì.
Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thường xuyên trao đổi với sếp và xác định liệu có cần triển khai những vấn đề mới hay không.
Bạn không nhận được phản hồi hữu ích
Một người sếp dễ đồng tình có thể gây ra rất nhiều khó khăn trong công việc. Vì muốn được yêu quý, họ khó có thể trực tiếp đưa ra những phản hồi mang tính tiêu cực hay phê phán. Việc luôn đồng tình như vậy sẽ khiến bạn cảm giác rằng sếp không hài lòng với năng lực làm việc của mình nhưng lại không đưa ra bất kỳ góp ý nào giúp bạn cải thiện.
Trong trường hợp này, bạn nên đặt ra những câu hỏi cụ thể để khơi gợi những phản hồi mà bạn mong muốn. Bằng cách này, vị sếp dễ đồng tình của bạn sẽ nhận ra bạn cần những lời phê bình mang tính xây dựng. Sau đó, sếp sẽ chủ động đưa ra lời phê bình ngay cả khi bạn không yêu cầu.
Hãy nhớ rằng bạn vẫn có thể yêu thích công việc ngay cả khi không thích sếp. Nếu môi trường làm việc lành mạnh và bạn có những người đồng nghiệp thân thiết thì mọi chuyện vẫn không quá tệ. Bạn vẫn có thể học hỏi nhiều điều từ việc quan sát cách sếp triển khai công việc. Hãy tập trung vào những yếu tố giúp họ đạt được thành công và tiếp thu những bài học đó khi bạn trở thành lãnh đạo.
Nguồn: HBR
Bài viết liên quan