Bạn có đang hối hận về con đường nghề nghiệp của mình?

Hẳn ai cũng từng nghĩ về những ngã rẽ sự nghiệp khác mà mình có thể chọn, đây là điều bình thường. Nhưng liệu cứ níu giữ quá khứ có cản bước chúng ta tới thành công ở hiện tại? Dựa trên kết quả một cuộc khảo sát với hơn 300 nhân viên và đồng nghiệp của họ, tác giả cho rằng sự nuối tiếc về con đường mình đã không chọn đang diễn ra tràn lan, và trong một vài trường hợp, cảm giác này có thể khiến ta không toàn tâm toàn ý với công việc hiện tại. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra hai cách để loại bỏ sự bất mãn có hại này. Đầu tiên, quản lý và nhân viên có thể chủ động thiết kế lại công việc nhằm đưa những khía cạnh mà nhân viên mong muốn ở công việc mà họ nuối tiếc vào công việc hiện tại của họ. Và thứ hai, người lao động cần rèn luyện sự tập trung nội tại, tập trung hơn vào hiện tại và tương lai chứ không bị mắc kẹt trong quá khứ. Cuối cùng, tác giả lập luận rằng trong công việc và trong mọi khía cạnh của cuộc sống, cách duy nhất để duy trì năng suất và sự hài lòng là cân bằng giữa những suy nghĩ “nếu như” ma mị với sự nhận thức rõ ràng những gì mình đang có. 

Sự nghiệp của ta được tạo nên bởi những lựa chọn. Nhưng đôi khi, dù cho ta đưa ra lựa chọn đúng, ta vẫn có cảm giác tiếc nuối đối với những con đường mà ta không chọn. Điều này ảnh hưởng đến công việc của ta ra sao? Và cấp quản lý có thể làm những gì để giúp nhân viên của mình thoát khỏi mâu thuẫn bên trong họ, giúp họ vững bước hơn trên con đường mình đã chọn. 

Để trả lời câu hỏi này, Jason Colquitt, Erin Long và tôi đã khảo sát hơn 300 nhân viên ở Mỹ. Những nhân viên này thuộc nhiều ngành nghề và cấp bậc chuyên môn khác nhau. Chúng tôi hỏi về mức độ thỏa mãn của họ đối với công việc hiện tại, tần suất họ nghĩ về con đường khác mà họ có thể chọn, và mức độ họ cảm thấy có thể thay đổi quỹ đạo công việc của mình. Chúng tôi cũng hỏi đồng nghiệp của những nhân viên này về tần suất họ tham gia các hoạt động tập thể, và tần suất họ thể hiện sự chán ghét công việc, ví dụ như đi làm muộn hoặc làm phiền người khác. 

Qua những khảo sát này, chúng tôi phát hiện rằng rất nhiều nhân viên dành một lượng lớn thời gian day dứt về con đường mà đáng lẽ họ có thể chọn – ngay cả khi họ đã gắn bó với con đường hiện tại hàng năm trời. Sự thật là, chỉ 6% người tham gia khảo sát nói rằng họ hiếm khi nghĩ đến con đường mà họ không chọn. Trong khi đó, 21% người tham gia thừa nhận rằng họ thường xuyên, thậm chí là hầu như luôn luôn nghĩ đến con đường mà họ bỏ qua. 

Họ là những người làm hoạt động xã hội suýt chút nữa trở thành bác sĩ thú y, kiến trúc sư suýt chút nữa trở thành họa sĩ, giáo viên từng cân nhắc theo đuổi ngành luật. Một người tham gia khảo sát chia sẻ rằng anh ấy đã từ bỏ con đường trở thành nhà khoa học và chuyển sang lĩnh vực tài chính sau một trải nghiệm tồi tệ với người giám sát của mình trong chương trình tiến sĩ. Trong khi vẫn cảm thấy hạnh phúc với nghề nghiệp của mình, anh ấy không thể ngăn bản thân nghĩ về viễn cảnh mình trở thành một nhà khoa học:

“Tôi thường nghĩ về những điều có thể xảy ra nếu tôi theo đuổi bằng tiến sĩ lĩnh vực hóa sinh hoặc di truyền học. Tôi rất ngưỡng mộ các khám phá khoa học, và tôi cũng có năng khiếu trong lĩnh vực này… Nếu tôi trở thành một kỹ sư công nghệ gen thi tôi có lẽ đang ở tuyến đầu trong sự phát triển của khoa học, và có khả năng thay đổi tương lai của nhân loại. Có lẽ tôi sẽ không có được thành công về tài chính, nhưng bù lại, tôi sẽ cảm thấy mãn nguyện hơn với công việc mà tôi làm.” 

Dù cho lựa chọn nghề nghiệp hiện tại của họ được thúc đẩy bởi sự ổn định tài chính, sự khát khao hạnh phúc, hoặc nhiều động lực khác, thì những nhân viên được khảo sát đều cho thấy sự tiếc nuối về những điều họ có thể làm nếu họ chọn ngành nghề khác. Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận thấy rằng nghĩ về con đường mà họ đáng lẽ có thể chọn khiến những nhân viên này không toàn tâm toàn ý với nghề nghiệp hiện tại của họ. Dựa trên những đánh giá từ chính họ và từ đồng nghiệp của họ, chúng tôi phát hiện rằng những nhân viên đang bị mắc kẹt trong viễn cảnh quá khứ thường có xu hướng mất tập trung và mơ mộng khi đang làm việc. Họ cũng có số ngày nghỉ nhiều hơn bình thường, không gắn bó với đồng nghiệp, và có xu hướng tìm kiếm công việc khác.  Trên thực tế, những người này không bị sự nuối tiếc và tuyệt vọng gặm nhấm. Trái lại, nhiều người trong số họ khẳng định mình cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Dẫu vậy, cảm giác bỏ lỡ một con đường – đặc biệt là con đường họ cảm thấy phù hợp với nhận thức về danh tính và mục đích sống của mình – không phải là cảm giác dễ chịu. 

Hiện tượng “cỏ xanh bên kia đồi” (the grass is greener) này càng được khuếch đại hơn trong tình trạng quá tải lựa chọn hiện nay. Khi làm việc từ xa và các ứng dụng trực tuyến đang khiến thế giới “nhỏ lại”, số lượng  công việc ta có thể lựa chọn (trên lý thuyết) là vô biên. Thật lòng mà nói, nhiều con đường nghề nghiệp hơn để chúng ta chọn là một điều tốt. Tuy nhiên, có quá nhiều sự lựa chọn trong tay có thể làm suy yếu sợi dây gắn kết giữa ta với lựa chọn mà ta đang theo đuổi. Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) này được làm trầm trọng hơn bởi mạng xã hội, nơi mà ta có thể thấy vô vàn những nghề nghiệp, địa điểm, và lối sống mà chúng ta đã bỏ lỡ. 

Tin tốt là nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy rằng ta không cần phải luôn cảm thấy nuối tiếc về những lựa chọn đã qua. Cụ thể, chúng tôi đã tìm ra hai chiến lược nhằm giúp các nhân viên loại bỏ sự nuối tiếc, tránh việc dày vò bản thân trong bóng đêm của quá khứ, và tập trung vào công việc hiện tại. 

  • Kiến tạo “nhân dạng” trong công việc (Craft your work identity)

Đầu tiên, chúng tôi nhận thấy những người thực hành “kiến tạo công việc” (Job crafting) – những người chủ động định hướng công việc của mình nhằm hướng tới hình mẫu họ ao ước – có xu hướng ít bỏ việc và tương tác với đồng nghiệp nhiều hơn, kể cả khi họ vẫn còn nuối tiếc với con đường cũ. Mặc dù các vị trí công việc có thể có mức độ linh hoạt khác nhau, nhưng ta luôn luôn có thể đưa một chút sở thích và đam mê của mình vào vai trò hiện tại. 

Ví dụ, một người làm hoạt động xã hội từng muốn trở thành bác sĩ thú y có thể dùng động vật để giúp những người đang đối diện với sang chấn tâm lý. Làm vậy có thể giúp cô ấy ứng dụng được tình yêu động vật vào công việc của mình. Tương tự, một nhân viên bán hàng đã từ bỏ ngành du lịch có thể chọn làm việc với khách hàng quốc tế để vừa thỏa mãn đam mê du lịch, vừa có công việc với thu nhập ổn định. Kết hợp công việc hiện tại mà bạn yêu thích với một phần trong công việc quá khứ mà bạn từng mong muốn có thể giúp bạn tìm được một công việc thực sự phù hợp với mình. 

Đồng thời, các quản lý cũng cần cố gắng tìm hiểu những tài năng, sở thích và đam mê đang được ẩn giấu trong nhân sự của mình – và tìm cách để giúp họ kết hợp được những điều đó vào công việc. Mặc dù không phải vị trí công việc nào cũng có thể đáp ứng tất cả mong muốn của chúng ta, nỗ lực tùy chỉnh vai trò và công việc của nhân viên sao cho phù hợp với những điều họ tiếc nuối có thể tăng năng suất và sự hài lòng trong công việc. Tất nhiên, sự “cá nhân hóa” trong công việc là điều không dễ dàng. Nhưng giữ cho nhân viên hạnh phúc bằng cách chỉnh sửa vai trò của họ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc chôn chân nhìn họ nghỉ việc và bắt buộc phải thay người mới. 

  • Rèn luyện sự tập trung nội tại (internal locus of control) 

Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng thậm chí khi yếu tố ngoại cảnh không thay đổi, sự chuyển dịch trong góc nhìn nội tại sẽ tạo sự khác biệt lớn trong cách ta suy nghĩ và hành động. Chúng tôi phát hiện rằng những người sở hữu điều mà các nhà tâm lý học gọi là “Internal Locus of Control” – xu hướng xem những điều xảy ra trong cuộc sống là hệ quả từ hành động của họ chứ không phải yếu tổ ngoại cảnh – thường chấp nhận công việc hiện tại và tập trung cho nó thay vì nghĩ về con đường mình đã bỏ qua. 

Rèn luyện sự tập trung nội tại bắt đầu bằng việc nhận trách nhiệm với lựa chọn quá khứ của mình. Hạn chế nghĩ về những điều có thể đã xảy ra, thay vào đó nhớ lại lý do vì sao bạn lựa chọn rời bỏ con đường cũ. Sau đó, nghĩ về những viễn cảnh tươi đẹp trong tương lai và những bước bạn cần làm để đạt được chúng. 

Dừng lại và hồi tưởng về những điều tốt xảy ra trong cuộc sống của bạn cũng là một điều có ích. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lòng biết ơn có thể giúp ta vượt qua nghịch cảnh và cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Bạn nên cân nhắc dành mỗi ngày vài phút để viết nhật ký biết ơn hoặc tập thói quen cảm ơn người khác trong cuộc sống. Điều này không đồng nghĩa với việc chấp nhận môi trường làm việc độc hại hoặc phớt lờ giấc mơ của bạn. Một chút “liều thuốc” biết ơn có thể giúp bạn định hình lại trải nghiệm của mình và nhận ra những khía cạnh trong công việc và cuộc sống thực sự làm bạn thấy hạnh phúc. 

Nghĩ về những điều mà ta đã bỏ lỡ là một lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, trong công việc cũng như trong đời sống. cách duy nhất để duy trì năng suất và sự hài lòng là cân bằng giữa những suy nghĩ “nếu như” ma mị với sự nhận thức rõ ràng những gì mình đang có. Trong thế giới với vô vàn sự lựa chọn, chúng ta cần vượt qua sự nuối tiếc và tìm kiếm các cách để cải thiện cuộc sống. Từ đó học cách chấp nhận thực tại của chính mình.

Trả lời

LET'S GO
SUBSCRIBE
awesome
Sed ut perspiciatis unde omnis